Điều cần nhất ngay lúc này là tất cả chúng ta hãy làm một điều gì đó vì bóng đá nữ VN, đừng để hành trình tuyệt vời đến World Cup rơi vào quên lãng.
Tầm nhìn chiến lược
Đây là thời điểm quá thuận lợi để cấp quản lý cần những thay đổi, cần những quyết sách hợp lý để xây dựng chiến lược phát triển cho bóng đá nữ VN.
Chẳng hạn, LĐBĐ VN (VFF) cần có đề xuất với Chính phủ về tầm nhìn hay những vấn đề vĩ mô để có thể phát triển bóng đá nữ VN. Như đầu tư hệ thống sân bóng cho các CLB để cải thiện chất lượng tập luyện và thi đấu ở các giải đấu lớn. Đầu tư thêm sân bóng tại các trường học, sân chơi công cộng để phát triển phong trào bóng đá học đường của nữ, để bóng đá có thể lan tỏa tới mọi ngõ ngách trên khắp mọi miền đất nước... Có như thế bóng đá nữ mới trở thành phong trào rộng khắp và phát triển từng bước mạnh mẽ và chắc chắn. Chứ không như những đợt sóng, có thời điểm lên rất cao nhưng sau đó lại tan vỡ như bọt sóng.
Về đến quê nhà, thủ môn Kim Thanh thổ lộ: 'Khoảnh khắc Quốc ca vang lên, tất cả vỡ òa'
Với tầm ảnh hưởng của mình, VFF cùng Bộ VH-TT-DL hoàn toàn có thể khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp tập trung đầu tư để xây dựng và phát triển bóng đá. Hiện nay, bóng đá nữ mới chỉ phát triển ở Hà Nội, TP.HCM. Nhưng để phát triển bóng đá VN một cách đồng đều, cần nhiều đơn vị như thế nữa. Nếu có đến 5 - 6 trung tâm đào tạo trẻ tốt được mở rộng ở Thái Nguyên, Hà Nam, Sơn La… thì chúng ta hoàn toàn tự tin có thể đào tạo ra nhiều hơn những Huỳnh Như, Tuyết Dung, Chương Thị Kiều… trong tương lai.
Bản thân VFF cũng nên có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn. Việc VFF quan tâm nhiều hơn đến các đội tuyển trẻ nữ là hướng đi đúng nhưng nếu như họ quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho công tác đào tạo trẻ của các CLB, các địa phương thì có lẽ chất lượng cầu thủ trẻ còn tốt hơn nhiều. Bởi hệ thống giải trẻ còn quá ít và sơ sài, các đội trẻ chỉ được thi đấu 1 giải trong năm với khoảng 10 trận và tập trung trong chỉ 1 - 2 tháng. Cầu thủ cần phải được thi đấu nhiều để cọ xát, học hỏi để trưởng thành.
Không ra sân ở World Cup, Thùy Trang tiếc nuối: 'Tôi buồn nhưng tôn trọng quyết định của bác Chung'
Chúng ta có thể làm gì ?
Chúng ta cần tìm hiểu vì sao Nhật Bản có chiều cao và thể hình không quá vượt trội so với đội tuyển VN lại có thể chơi hay đến thế? Vì sao Philippines mới lần đầu tham dự ngay lập tức có được chiến thắng trước đối thủ mạnh? Vì sao những tân binh như Ma Rốc lại ngay lập tức thi đấu ấn tượng và vào vòng đấu loại trực tiếp?
Những khía cạnh chuyên môn sâu về các yếu tố thể lực - kỹ thuật - chiến thuật - tâm lý sẽ được phân tích một cách kỹ lưỡng qua các con số. Những xu hướng phát triển chiến thuật hiện đại cũng sẽ cần cập nhật, tìm hiểu để tìm ra hướng đi chính xác hơn cho bóng đá nữ VN trong tương lai.
Lực lượng kế cận cũng sẽ là điểm mấu chốt cho thành công của đội tuyển. Những trụ cột nào nên được giữ lại làm nòng cốt, những nhân tố trẻ đã khẳng định được khả năng như Thanh Nhã, Hải Linh, Thu Thương sẽ được chăm sóc và phát triển ra sao? Những gương mặt tiềm năng của đội U.20 đã giành quyền tham dự U.20 châu Á 2024 như các tiền đạo Vũ Thị Hoa, Hoàng Vân, Ngọc Minh Chuyên; tiền vệ Nhật Lan, Hồng Yêu; trung vệ đội trưởng Bảo Trâm hay thủ môn Kiều My cần một chế độ quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng đặc biệt. Bởi họ sẽ là những trụ cột của tuyển nữ VN trong mục tiêu tham dự World Cup 2027.
Hành trình World Cup 2023 của đội tuyển nữ VN thực sự là rất xuất sắc. Nhưng đó không phải là tất cả, bởi cái mà chúng ta đều mong muốn là thành công này sẽ là cú hích, là cảm hứng, là động lực để bóng đá nữ VN chuyển mình và vươn lên mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Bình luận (0)