Trong danh sách triệu tập đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho loạt trận giao hữu tháng 9, HLV Kim Sang-sik gọi 7 tiền đạo: Nguyễn Tiến Linh, Phạm Tuấn Hải, Nguyễn Văn Toàn, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Trường và Đinh Thanh Bình. Sau khi Văn Toàn rút lui do dính chấn thương, người được chọn để thay thế là tiền vệ Phan Văn Đức. Danh sách tiền đạo của ông Kim vốn đã mỏng, nay còn "neo người" hơn.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc vẫn có hai chân sút chất lượng, đó là Tiến Linh và Tuấn Hải. Tiến Linh ghi 8 bàn cho Bình Dương sau 26 trận V-League mùa trước, còn con số bàn thắng của Tuấn Hải là 9 bàn sau 25 trận.
Trong khi Tiến Linh là trung phong hay nhất của đội tuyển Việt Nam hiện tại, đảm trách nhiệm vụ ghi bàn, Tuấn Hải lại chơi xông xáo, nhiệt tình, cường độ hoạt động tốt và đa năng trên hàng công. Bộ đôi này hứa hẹn là cặp tiền đạo chủ lực của HLV Kim Sang-sik, ít nhất đến AFF Cup 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh hai "họng pháo" chủ lực, đội tuyển Việt Nam đang thiếu bóng dáng của những chân sút trẻ.
Với Văn Tùng, dù đã có 3 mùa giải góp mặt ở V-League, số bàn thắng của tiền đạo gốc Đông Anh chỉ dừng lại ở con số 2. Văn Tùng bùng nổ ở SEA Games 32 trong màu áo U.22 Việt Nam khi lập công liên tục, nhưng khoảng cách rất lớn giữa bóng đá trẻ và bóng đá đỉnh cao là chướng ngại mà Văn Tùng chưa thể vượt qua.
Đỗ Hùng Dũng: ‘Chúng tôi đều đã quen tập luyện ngày lễ tết’
Dù được HLV Philippe Troussier tạo điều kiện khoác áo đội tuyển Việt Nam từ tháng 6.2023, khởi đầu bằng cuộc so tài với đội Hồng Kông, đến nay Văn Tùng đã "ăn cơm tuyển" được hơn 1 năm, song vẫn chưa để lại dấu ấn. Chân sút sinh năm 2001 lạc lõng trong lối chơi, không thể kết nối hàng công, tì đè làm tường hay dứt điểm. Trong màu áo CLB Hà Nội, Văn Tùng cũng phải chờ đến gần cuối mùa giải mới tìm được bàn đầu tiên ở mùa giải trước.
Một chân sút trẻ khác là Văn Trường cũng đang loay hoay tìm hướng. 23 trận mùa trước ở V-League chưa phải thống kê "đẹp", bởi có đến 17 trận, tiền đạo sinh năm 2003 vào sân từ ghế dự bị. Văn Trường đã thăng tiến chóng mặt trong 3 năm qua khi từ U.19 lên U.23, rồi đến đội tuyển quốc gia. Dù vậy, chân sút của Hà Nội chưa thể hiện được nhiều. Đặc biệt, tấm áo đội tuyển Việt Nam vẫn quá rộng với Văn Trường.
Tương tự, Vĩ Hào được đôn lên đội một Bình Dương ở tuổi 19 (năm 2022), gây ấn tượng với HLV Lê Huỳnh Đức nhờ khả năng hoạt động bền bỉ, cái chân trái cực "ngoan" cùng lối đá xông xáo. 5 bàn thắng ở V-League 2023 - 2024 là minh chứng cho đà tiến bộ của chân sút sinh năm 2003.
Tuy nhiên cũng giống Văn Tùng hay Văn Trường, Vĩ Hào đang ở trạng thái đủ cho U.23, nhưng... thiếu cho đội tuyển quốc gia. Vị trí tiền đạo cánh của Vĩ Hào cũng bị cạnh tranh gay gắt, khi tiền đạo của Bình Dương phải tranh đấu với những đàn anh như Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Văn Toàn, thậm chí Văn Đức hay Tuấn Hải cũng có thể chơi tốt nếu được giao vai trò.
Khác biệt của Vĩ Hào là sức bật tại CLB, khi tiền đạo 21 tuổi được ra sân thường xuyên (25 trận) mùa trước. Làm việc cùng HLV Hoàng Anh Tuấn, người vốn mát tay với cầu thủ trẻ, là thời cơ để Vĩ Hào tiến bộ.
Song, tích lũy kinh nghiệm ra sao để gánh vác hàng công đội tuyển Việt Nam lại là trở ngại với dàn sao trẻ, trong bối cảnh cực khó cạnh tranh, bởi những tiền đạo chủ chốt như Tiến Linh, Tuấn Hải có thể chơi tốt trong ít nhất 3, 4 năm nữa.
Dù được đôn lên tập luyện xen kẽ cùng đàn anh để cơ cấu cho tương lai, nhưng Văn Tùng hay Vĩ Hào phải tận dụng cơ hội hiếm hoi để thể hiện, ít nhất trên khía cạnh thái độ tập luyện và tinh thần cầu tiến.
Bình luận (0)