Đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier sẽ thay đổi thế nào so với thời ông Park?

25/05/2023 19:51 GMT+7

Hai yếu tố triết lý và con người của đội tuyển Việt Nam hứa hẹn sẽ thay đổi rõ rệt dưới thời HLV Philippe Troussier so với giai đoạn HLV Park Hang-seo nắm quyền.

HLV Philippe Troussier sẽ có đợt tập trung lần hai với đội tuyển Việt Nam vào tháng 6 tới. Chiến lược gia người Pháp đã làm việc với các tuyển thủ hồi tháng 3, nhưng đó là đợt tập trung ngắn hạn kéo dài vỏn vẹn 4 ngày, kết thúc sớm hơn 1 ngày so với dự kiến. Phải đến tháng 6 này, ông Troussier mới thực sự huấn luyện đội tuyển, thay vì làm quen bước đầu như đợt trước.

Trong ngày ra mắt, HLV Troussier nhắc đến mục tiêu nâng tầm đội tuyển Việt Nam. Ông khẳng định bản thân có triết lý, quan điểm chiến thuật khác biệt với HLV Park Hang-seo. Sự khác biệt ấy phần nào thể hiện ở SEA Games 32 khi U.22 Việt Nam trình diễn lối chơi mới mẻ. Kiểm soát bóng nhiều hơn, triển khai tấn công tuần tự bằng bóng ngắn từ hàng thủ, mạnh dạn đẩy cao đội hình pressing,... là những nét khác biệt so với thời ông Park còn ngồi ghế chỉ đạo.

Đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier sẽ thay đổi thế nào so với thời ông Park?  - Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier sẽ thay đổi thế nào so với thời ông Park?  - Ảnh 2.

Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị hội quân cùng HLV Troussier

ĐỘC LẬP

Tuy nhiên, huấn luyện đội tuyển quốc gia rất khác so với đội trẻ. Nếu ở U.22 Việt Nam, HLV Troussier có thể thoải mái triển khai ý tưởng lên những "tờ giấy trắng" còn non kinh nghiệm và chưa hình thành thói quen chiến thuật rõ ràng như các cầu thủ trẻ, thì vấn đề ở đội tuyển Việt Nam sẽ rất khác. Các tuyển thủ quốc gia đã quen với triết lý của HLV Park Hang-seo trong nhiều năm, do đó việc thay đổi thói quen chơi bóng sẽ không dễ dàng.

Màn thể hiện của U.22 Việt Nam trong 12 trận đã qua, tính cả loạt giao hữu trước SEA Games 32, là "bản nháp", giúp người hâm mộ phần nào dự đoán diện mạo của đội tuyển Việt Nam cùng HLV Troussier trong thời gian tới. Trước tiên về lối chơi, HLV Park Hang-seo trung thành với sơ đồ 3 trung vệ (3-4-3 và 3-5-2 khi tấn công, 5-4-1 và 5-3-2 khi phòng ngự). Tại SEA Games 32, HLV Troussier cũng sử dụng sơ đồ này. Điều đó cho thấy, bộ khung 3 trung vệ nhiều khả năng được ông thầy người Pháp kế thừa ở đội tuyển Việt Nam. Lựa chọn này mặt thuận lợi ở chỗ, các cầu thủ đã quen với cách vận hành của hệ thống 3 trung vệ, do đó sẽ dễ thích nghi với lối chơi mới hơn. Ngoài ra, sơ đồ 3 trung vệ giúp hạn chế nhược điểm của hậu vệ, tăng chất lượng phòng ngự và khả năng bọc lót,... nên được cho là phù hợp với đội tuyển Việt Nam hiện tại.

Thay đổi sẽ đến ở triết lý chơi. Đội tuyển Việt Nam của HLV Park ưu tiên phòng ngự, đề cao tính kỷ luật trong tổ chức đội hình, tấn công bằng những pha chuyển đổi trạng thái chớp nhoáng. Phòng ngự và giữ sạch lưới luôn là mục tiêu mà đội tuyển Việt Nam đề cao khi tiếp cận trận đấu. Dưới thời nhà cầm quân người Hàn Quốc, đội tuyển Việt Nam giữ sạch lưới 16 trong số 22 trận ở AFF Cup (từ 2018 đến 2022), thiết lập 2 kỷ lục là sạch lưới liền 12 trận vòng bảng và sạch lưới cho đến tận chung kết (ở AFF Cup 2022). 

Đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier sẽ thay đổi thế nào so với thời ông Park?  - Ảnh 3.

Các cầu thủ phải nỗ lực thay đổi

ĐỘC LẬP

Tuy nhiên, lối chơi này có nhược điểm khi gặp các đội mạnh hơn. Đội tuyển Việt Nam chỉ dừng ở mức làm khó đối thủ, còn hầu như không thể thắng, thậm chí giành 1 điểm cũng rất khó khăn. Việc chờ đợi sai sót của đối thủ khiến toàn đội mất đi sự chủ động. Trước những đội kiểm soát bóng tốt, chơi chặt chẽ và kín kẽ, các học trò ông Park thường từ hòa đến thua.

Với HLV Troussier, đội tuyển Việt Nam hứa hẹn đá chủ động hơn ở các khâu: kiểm soát bóng, điều tiết nhịp độ, pressing giành quyền kiểm soát,... Chiến lược gia người Pháp khẳng định muốn cầu thủ phải tăng thời lượng kiểm soát bóng trước các đội mạnh. Tất nhiên, cầm bóng nhiều không đảm bảo cho chiến thắng, nhưng càng thêm thời gian cầm bóng, đồng nghĩa có thêm giải pháp tấn công, hay giải tỏa bớt áp lực cho hàng thủ.

Kiểm soát bóng cùng là một cách phòng ngự, đó là lối chơi ông Troussier từng sử dụng để đưa Nhật Bản lần đầu vượt qua vòng bảng World Cup (năm 2002). Việc mở rộng đội hình triển khai bóng, kiên nhẫn chuyền bóng để mở khoảng trống của U.22 Việt Nam cho thấy phần nào tư duy chủ động mà HLV Troussier yêu cầu. Ở đội tuyển Việt Nam, tính kiểm soát sẽ được đòi hỏi ở mức độ cao hơn nữa.

Đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier sẽ thay đổi thế nào so với thời ông Park?  - Ảnh 4.

Một số tài năng trẻ U.22, U.20 sẽ được đôn lên đội tuyển Việt Nam

NGỌC DƯƠNG

Còn về nhân sự, HLV người Pháp nhiều khả năng đôn nhiều cầu thủ trẻ ở cấp độ U.22 và U.20 lên đội tuyển để làm mới đội hình, tương tự như HLV Park Hang-seo đã làm năm 2018. Đội tuyển Việt Nam cần luồng gió nhân sự mới (tất nhiên vẫn dựa trên bộ khung cũ) để chuyển đổi lối chơi đã ăn sâu bén rễ vào thói quen của ông ít cầu thủ. Việc huấn luyện cùng lúc hai đội càng giúp HLV người Pháp đánh giá được sự tiến bộ và khát khao của học trò, nhờ vậy điều chỉnh con người phù hợp.

Đội tuyển Việt Nam đã chạm ngưỡng giới hạn với lối chơi phòng ngự phản công thời ông Park nắm quyền. HLV Troussier chưa chắc thành công với lựa chọn của ông, nhưng lúc này sự thay đổi là điều bắt buộc. Còn cần bao lâu để sự thay đổi ấy mang đến "quả ngọt", chưa thể trả lời vào lúc này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.