Đội tuyển Nhật Bản bước đến Asian Cup 2023 với phong độ khủng khiếp. Thầy trò HLV Hajime Moriyasu toàn thắng 10 trận gần nhất, ghi 45 bàn vào lưới đối thủ (8 trận giao hữu, 2 trận ở vòng loại World Cup). Nếu thống kê trên chưa đủ "sức nặng", thì có một chi tiết nữa để nói về cái hay của Nhật Bản, đó là đội bóng này đã thắng rất nhiều đối thủ đến từ những trường phái bóng đá khác nhau. Từ chơi bóng kỹ thuật, khoa học như Đức, ngẫu hứng như Peru, Thổ Nhĩ Kỳ, rắn rỏi kiểu El Salvador hay phòng ngự số đông như Syria, Jordan, Thái Lan, tất cả đều chào thua trước sức mạnh của Nhật Bản.
Đội bóng có biệt danh "Samurai xanh" đang tiến bộ với tốc độ thần tốc. 3 năm trước, đội tuyển Nhật Bản còn rơi vào khủng hoảng khi thua 2 trong 3 trận đầu vòng loại World Cup 2022, trong đó có thất bại 0-1 trước Oman khiến HLV Moriyasu cận ngưỡng bị sa thải. Tuy nhiên, HLV của đội Nhật Bản đã thay đổi phong cách chơi của đội, từ chỗ kiểm soát bóng có phần máy móc và rườm rà, trở thành tập thể chơi bóng đa dạng và gọn gàng hơn.
HLV Troussier thẳng thắn: ‘Đối thủ phải cố gắng hơn 100% nếu muốn đánh bại Việt Nam’
Điểm mạnh của "Samurai xanh" là thích ứng rất nhanh với lối chơi của đối thủ để có đấu pháp ngăn chặn (cũng là lý do họ thắng nhiều kiểu đối thủ khác nhau). Đồng thời, đội tuyển Nhật Bản vẫn có chất riêng, đó là những pha đan bóng nhanh và chuẩn xác đến mức chóng mặt, các cầu thủ di chuyển khoa học, phối hợp ăn ý như được lập trình. Sự kỷ luật và sáng tạo của đội tuyển Nhật Bản được củng cố, khi rất nhiều học trò của ông Moriyasu đạt phong độ cao. Đứng vững trước đội bóng đồng đều, gắn kết và có nhiều cá nhân gây đột biến là nhiệm vụ cực khó!
3 trận gần nhất gặp Nhật Bản, đội tuyển VN hòa 1, thua 2. Tuy nhiên điều đáng khen là toàn đội chỉ thủng lưới 1 bàn mỗi trận. Dù Nhật Bản đã rất khác so với thời điểm chạm trán đội tuyển VN, nhưng kết quả trên sân cho thấy với một đấu pháp hợp lý, các cầu thủ VN có thể hạn chế sức mạnh đối thủ. Từ giai đoạn thành công của HLV Park Hang-seo đến nay, nền tảng tâm lý của cầu thủ VN đã nâng tầm. Phần còn lại là tìm ra chiến thuật phù hợp, là chuyện của HLV Troussier.
Đón chào Duy Mạnh trở lại, ĐT Việt Nam có thêm một trung vệ giàu kinh nghiệm khi bước vào Asian Cup 2023 - video: VFF
Phòng ngự phản công, lấy số đông cầu thủ ở sân nhà để bịt khoảng trống từ biên đến trung lộ là con đường duy nhất. 13 bàn thua trong 6 trận gần nhất, phần lớn xuất phát từ sai lầm cá nhân, cho thấy hệ thống phòng ngự VN cần bổ sung chất thép. Đội tuyển VN vắng thủ lĩnh Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh cũng chưa chắc ra sân. Song với Thanh Bình và Việt Anh, những cầu thủ cũng giàu kinh nghiệm và từng đối đầu Nhật Bản, đội tuyển VN có chất liệu tốt để xây khối phòng ngự. Dù vậy, vấn đề của học trò ông Troussier hiện nay là cấu trúc đội hình gặp nhiều vấn đề. Các cầu thủ giữ cự ly không tốt, thiếu chặt chẽ khi kèm người.
Một khía cạnh nữa là triển khai bóng, đội tuyển VN khá ổn ở hàng thủ, khi các hậu vệ chuyền ngắn, ban bật tốt, nhưng khi bóng được luân chuyển đến giữa sân, các tiền vệ thường xoay xở chậm, để mất bóng và hàng thủ bị đe dọa. Đối đầu đội mạnh như Nhật Bản, đội tuyển VN vẫn đá ngắn "theo bài", hay nên chuyền dài vượt tuyến như thời ông Park để đổi lấy sự an toàn? Đó là phép tính HLV Troussier cần quyết đoán lựa chọn, bởi phong cách chơi có thể đổi lấy thành bại của đội tuyển.
Các phương án phản công cũng cần đa dạng hơn để giảm áp lực cho hàng thủ. Với những mũi nhọn rất nhanh như Đình Bắc, Văn Toàn, đội tuyển VN có "vốn" đá phản công. Nếu chơi tấn công chớp nhoáng, tận dụng được khoảng trống sau lưng hậu vệ Nhật Bản khi đối thủ dâng cao, đội tuyển VN sẽ giảm áp lực cho hàng thủ. Trong bối cảnh thể lực đang là vấn đề, lại phải đá lúc 14 giờ 30 dưới tiết trời nắng nóng, HLV Troussier cần phân phối sức hợp lý cho học trò. Hy vọng với bản lĩnh và sức chịu đựng tốt, đội tuyển VN sẽ gây bất ngờ.
Bình luận (0)