Cú ngã gãy đốt sống cổ trong quá trình luyện tập đã biến Lê Thị Huệ từ một VĐV triển vọng của thể thao VN trở thành người tàn tật. Nhưng với ý chí kiên cường, Huệ đang dần bước qua những tháng ngày đen tối để tự đứng trở lại trên chính đôi chân của mình...
Lê Thị Huệ đã có thể tự đi đứng - Ảnh: Ngọc Minh
|
Khác với những lần gặp trước, lần này tôi có cảm giác Lê Thị Huệ lạc quan hơn rất nhiều. Cô đã có thể đi lại được quãng đường vài chục mét nhờ sự trợ giúp của chiếc nạng gỗ. Còn đôi bàn tay dẫu vẫn còn run lẩy bẩy nhưng đã có thể cầm hờ được một vài thứ đồ vật nhẹ. Công việc bán hàng tạp hóa không những giúp Huệ có thêm thu nhập mà quan trọng hơn, nó đã giúp cô gặp gỡ, giao lưu với mọi người nên cũng nguôi ngoai mặc cảm của một người tàn tật…
Ngậm ngùi
|
Sau một năm nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Huệ không còn được chi trả tiền viện phí. May mắn là lúc gia đình đang rối bời, Tập đoàn y dược Bảo Long đã ra tay giúp đỡ, đón Huệ lên Bệnh viện Bảo Long điều trị và nuôi ăn hoàn toàn miễn phí... Khi đang điều trị tại Bệnh viện Bảo Long, Huệ đã được Liên đoàn Vật thế giới trao huy chương danh dự và huy hiệu ghi nhận tinh thần cống hiến cho sự nghiệp thể thao cũng như sự bền bỉ vươn lên sau khi bị chấn thương của nữ VĐV này.
Kể từ khi thôi không điều trị ở Bệnh viện Bảo Long, Huệ về nhà nương tựa vào người mẹ già. Ngày ngày cô nhẫn nại luyện tập trên đôi nạng sắt nhưng do sức quá yếu nên cũng chỉ loanh quanh từ trong nhà ra ngoài sân rồi phải nghỉ. Chỉ cần sơ suất là Huệ có thể ngã lăn đùng ra nền nhà, những hôm trái gió trở trời, cô bị đau nhức khắp người. “Nhiều hôm đi chợ về thấy con ngồi lê lết ở giữa nhà, cố đứng dậy trong đau đớn, tôi không thể cầm được nước mắt…”, bà Hường nhớ lại.
Trong suốt thời gian ấy, bà Hường nhiều lần tìm tới Trung tâm huấn luyện TDTT 1 nhờ làm thủ tục cho con gái được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước nhưng một vị lãnh đạo nói bà và gia đình phải thông cảm, nhiều VĐV bị tai nạn, bị thương tật đang còn khó khăn lắm. “Tôi bảo bác nói như thế là không được, lúc các bác gọi con tôi vào luyện tập để phục vụ sự nghiệp quốc gia thì khỏe mạnh là vậy, giờ tàn tạ như thế này. Giả sử nó là con các bác thì các bác có nói như thế không. Nhưng các ông ấy chẳng trả lời…”.
Sung sướng hơn nhận huy chương
Cũng phải rất vất vả, đến năm 2007 ngành thể thao Thanh Hóa mới làm được thủ tục trợ cấp cho Huệ, nhưng cũng chỉ là trợ cấp tai nạn lao động thông thường. Bị mất 81% sức khỏe và hằng ngày phải có người phục vụ nhưng Huệ chỉ được hưởng mức trợ cấp khoảng 2,6 triệu đồng/tháng, chẳng đủ mua thuốc men, nên cuộc sống của mẹ con cô gặp rất nhiều khó khăn.
May mắn là Huệ đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng và các tổ chức xã hội. Sau khi biết được hoàn cảnh của cô, một số đơn vị, tổ chức đã quyên góp, tặng một số vốn nho nhỏ để Huệ mở một cửa hàng tạp hóa trên mảnh đất của người chị gái bên đường lớn của xã Quảng Châu.
Công việc bán hàng giúp mẹ con Huệ có thêm thu nhập và hỗ trợ việc luyện tập cải thiện sức khỏe của cô. “Mình đi lại chậm chạp, hai bàn tay cầm nắm cũng không vững nên việc bán hàng gặp nhiều khó khăn. Nhưng mà thoát được lưỡi hái của tử thần, rồi đứng dậy, đi lại được trên đôi chân của mình như thế này cũng là may mắn lắm rồi anh ạ. Cảm giác sung sướng hơn rất nhiều so với những khi lên bục nhận huy chương hồi còn thi đấu đỉnh cao...”, Huệ nói.
Bình luận (0)