Đòn chí mạng vào sinh kế người dân

03/12/2014 09:00 GMT+7

Phải giữ lại môi trường và sinh kế là nguyện vọng của tất cả người dân ĐBSCL có mặt tại buổi hội thảo “Tham vấn cộng đồng về dự án thủy điện Don Sahong ” do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Trung tâm sáng tạo Xanh (GreenID) và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức ngày 2.12, tại An Giang.

Đòn chí mạng vào sinh kế người dân
Mô hình đập thủy điện Don Sahong - Nguồn: Laosinvestmentreview

Thủy điện Don Sahong (Lào) được thiết kế với công nghệ đập tràn, công suất 260 MW, được xây dựng cách biên giới Campuchia 2 km và cách VN khoảng 420 km. Quy mô dự án nhỏ hơn Xayaburi nhưng những tác động đối với môi trường hệ sinh thái và đường di cư của cá thì lớn hơn.

Sai lầm không thể khắc phục

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Hiện nay ở phía thượng nguồn Trung Quốc đã đưa vào vận hành 4/8 dự án thủy điện. Dù ở rất xa VN nhưng những tác động bước đầu đã được ghi nhận như: hiện tượng xói lở ở các tỉnh ven biển ngày càng nghiêm trọng gây nên tình trạng mất đất, xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền… Nếu các dự án ở Lào và Campuchia đưa vào xây dựng thì ĐBSCL sẽ đối mặt với nhiều hiểm họa hơn về môi trường, và sinh kế người dân.

 

Hoàn thành nghiên cứu với tư cách là một chuyên gia quốc tế. Khi trở về, đọc lại kết quả nghiên cứu với tư cách là một người dân ĐBSCL tôi thấy nó ghê quá. Nó có thể làm cho quá trình kiến tạo ĐBSCL từ hàng triệu năm trước bị dừng lại

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện

Theo các chuyên gia, dòng Hou Sahong nơi có dự án Don Sahong là dòng chính của thác Khone, nơi khoảng 100 loài cá di cư quanh năm trong đó có nhiều loài cá từ vùng ĐBSCL di cư qua đây. Việc xây dựng đập Don Sahong sẽ gây cản trở đến sự di cư của cá trên toàn lưu vực. Một trong những cá thể cuối cùng còn lại của loài cá heo Irrawadyy sống giữa Lào và Campuchia có thể bị tuyệt chủng do tiếng ồn và ô nhiễm từ việc nổ mìn xây dựng đập. Những việc này sẽ tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực và sinh kế của người dân Thái Lan, Lào, Campuchia và VN.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, người từng tham gia nhóm 25 chuyên gia quốc tế đánh giá môi trường chiến lược sông Mê Kông hồi năm 2009 trăn trở: “Hoàn thành nghiên cứu với tư cách là một chuyên gia quốc tế. Khi trở về, đọc lại kết quả nghiên cứu với tư cách là một người dân ĐBSCL tôi thấy nó ghê quá. Nó có thể làm cho quá trình kiến tạo ĐBSCL từ hàng triệu năm trước bị dừng lại”. Hiện nay, ĐBSCL đang đối mặt với 3 nguy cơ lớn là biến đổi khí hậu, sai lầm trong phát triển và xây dựng đập ở thượng nguồn. Biến đổi khí hậu là quá trình diễn ra trong một thời gian dài nên chúng ta có cơ hội để thích nghi. Sai lầm trong phát triển như việc con người gây ô nhiễm môi trường, phát triển lúa vụ 3 quá mức; những cái đó cũng có cơ hội khắc phục. Nhưng việc xây dựng đập là một lớp rủi ro rất lớn áp lên 2 lớp rủi ro trên nên hậu quả sẽ rất nặng nề. Đáng nói hơn là nó không có khả năng khắc phục hay sửa chữa”.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ đánh giá: “Các báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa lồng ghép với biến đổi khí hậu. Khi chúng ta đang loay hoay ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu nước biển dâng thì các đập thủy điện như một cú đánh từ sau lưng - nó là một đòn chí mạng”.

 “Không có điện vẫn có thể sống được chứ không có nước “sẽ chết”

Trước cuộc tham vấn này, trong 2 tuần cuối tháng 11 vừa qua đã diễn ra 6 cuộc tham vấn ở tận một số xã trong vùng ĐBSCL và 100% người dân không đồng ý về việc xây thủy điện Don Sahong vì những tác động tiêu cực mà nó gây ra. Ông Phạm Minh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân Long An bức xúc: “Tỉnh có 1/2 diện tích nằm ở vùng Đồng Tháp Mười sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong khoảng 5 - 7 năm qua chúng tôi thấy rằng nước lũ về rất ít, mực nước ngày càng thấp, năng suất lúa giảm, cá tôm ngày càng ít. Một phần tư diện tích của tỉnh giáp biển cũng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Người dân vùng ven biển chúng tôi rất lo lắng cho 5.000 ha thanh long của mình sau này có sống nổi hay không?”.

Còn ông Quảng Trọng Bích, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang nói: “Tôi đã tham gia một số cuộc hội thảo về thủy điện và đem vấn đề này trao đổi lại với bà con. Hầu hết họ không đồng tình với việc xây đập vì người dân ĐBSCL không được lợi ích gì mà phải gánh chịu quá nhiều rủi ro. Tôi kiến nghị nhà nước mình nên có biện pháp đối thoại ngoại giao nào đó để hoãn và dừng việc này lại”. Chị Lê Thị Nhum, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thành (Tân Hiệp, Kiên Giang) lo lắng: “Mùa nước nổi người dân làm lúa trúng mùa hơn, lại có được thêm con cá con tôm cải thiện bữa ăn và kinh tế gia đình. Nếu không còn nước sẽ không còn tôm cá, lúa mất mùa người dân sẽ nghèo, khốn khổ hơn. Không có điện vẫn có thể sống được chứ không có nước “sẽ chết”.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, hiện tại thủy điện Xayaburi đã xây dựng được 30% nhưng đang gặp sự phản đối gay gắt từ người dân Thái Lan. Họ đã kiện các ngân hàng cung cấp vốn cho dự án này và tòa án Thái Lan đã nhận đơn kiện của người dân. Ở Campuchia người dân cũng phản đối các dự án thủy điện rất mạnh mẽ. Người ta đang hy vọng nó có thể thay đổi ở phút "bù giờ".

Mỹ “trả lại tự do” cho dòng Elwha

Mỹ vừa hoàn tất việc tháo dỡ đập thủy điện Glines Canyon cao 64 m trên sông Elwha vào cuối tháng 8. Đây là dự án tháo dỡ đập lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Trước đó, con đập nhỏ hơn ở hạ nguồn - đập sông Elwha cũng đã được tháo dỡ vào tháng 3.2012. Nhờ vậy, lần đầu tiên sau một thế kỷ, sông Elwha được chảy tự do ra biển. Sông Elwha từng là kho tài nguyên trù phú của vùng tây bắc nước Mỹ, song việc xây dựng đập đã phá hủy hệ sinh thái của dòng sông. Phù sa bị chặn, cá hồi từng là sản vật nổi tiếng nhất của dòng sông không thể bơi ngược từ eo biển Juan de Fuca để sinh sản. Sau nhiều năm đấu tranh của các nhóm bảo tồn, quốc hội Mỹ phê chuẩn việc tháo dỡ các con đập trên sông Elwha vào năm 1992. Tuy nhiên, đến năm 2011 việc tháo dỡ mới được triển khai.

Nguyễn Trực

Sông Mê Kông dày đặc đập thủy điện

Sông Mê Kông trải dài khoảng 4.345 km, với thượng nguồn bắt đầu từ bình nguyên Tây Tạng, chảy vào Myanmar, sau đó qua Lào, Thái Lan, Campuchia và VN trước khi đổ ra biển. Theo thống kê của tổ chức International River, tính riêng ở thượng nguồn đã có 7 đập thủy điện lớn trong địa phận Trung Quốc. Bên cạnh đó, có hơn 20 đập đang trong giai đoạn xây dựng hoặc đã lên kế hoạch tại Vân Nam, Tây Tạng và Thanh Hải. Hiện các nhà đầu tư khu vực đang lên kế hoạch xây thêm 11 con đập tại Lào và Campuchia, trong đó dự án đầu tiên là Xayaburi đang gây tranh cãi dữ dội. Các dự án khác được chấm tại Pak Beng, Luang Prabang, Pak Lay, và Sanakham ở miền bắc Lào; Pak Chom và Ban Koum ở biên giới Thái Lan - Lào; Lat Sua và Don Sahong ở miền nam Lào; Stung Treng và Sambor ở Campuchia.

H.G

Chí Nhân

>> Người dân ĐBSCL không đồng ý xây dựng thủy điện Don Sahong
>> 137 hộ dân được đền bù đất sản xuất dự án thủy điện Plei Krông
>> Đền bù cho người dân tại dự án thủy điện Plei Krông
>> 11 năm chờ tiền đền bù từ dự án thủy điện Plei Krông
>> Có thể thu hồi dự án thủy điện Đakrông 4
>> Tiếp tục loại bỏ 11 dự án thủy điện khỏi quy hoạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.