Hành động nhanh trước khi lũ đến
Nói về đợt lũ lụt vừa rồi, chị Đinh Ngọc Huyền (ở xã Đồng Mỏ, H.Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) nói rằng đó là sự may mắn hơn những gia đình khác vì không bị thiệt hại gì.
Chị Huyền kể lại vào giữa đêm 8.9, khi xem nghe báo đài và nghe thông tin từ địa phương, gia đình chị đã lên hẳn kế hoạch "chạy" lũ. "Lúc nửa đêm vẫn thấy mưa không ngớt, mực nước tăng dần lên thì cả nhà tôi quyết định "chạy" lũ. Nói chung nếu đã có cảnh báo thì phải có phương án, nếu lũ đến sẽ làm gì, cần chuẩn bị gì. Đặc biệt là không được chần chừ khi đưa ra quyết định", chị Huyền nói
Lúc 2 giờ 30, đầu tiên, gia đình chị bọc kín ô tô bằng bạt ni lông. Tuy nhiên, thấy không ổn, gia đình chị liền cho dời ô tô, xe máy, xe điện đến nơi cao ráo hơn và cách xa nhà, trước khi nước ngập. Sau đó, cả nhà tháo các thiết bị điện, di dời tất cả các vật dụng lên tầng trên. Những thứ không thể mang được thì để lại, tìm cách khác bảo vệ. Chiếc tủ lạnh vì quá nặng nên gia đình chị cho nằm dọc, bọc bạt ni lông, cột cao ở phần đầu.
Gia đình chạy lũ thần tốc: Bí quyết di dời tài sản nhanh nhất
Khoảng 4 giờ sáng, hầu như tầng trệt nhà chị Huyền đã trống trơn, nhưng vật dụng đã nằm an toàn trên tầng 1. Đến 4 giờ 30 nước bắt đầu tràn từ ngoài vào nhà và đến hơn 5 giờ tầng trệt nhà chị đã chìm trong nước lũ. Chị coi đây là kế hoạch, sự chủ động quyết định thực hiện việc "chạy" lũ thần tốc ngay trong đêm. Nhờ vậy, sau khi lũ rút, gia đình chị hầu như tất cả tài sản trong nhà đều vẫn còn và không bị hư hại. Chưa kể việc dọn dẹp sau lũ trong nhà cũng dễ dàng hơn.
Về thế chủ động, chị Huyền nhắn rằng vào mùa mưa bão, người dân nên cập nhật thông tin liên tục từ báo đài và địa phương. Chị chia sẻ, nếu mưa đêm phải thức canh, không được ngủ và cần có kiến thức về địa hình nơi mình sống. Ví dụ, nhà có gần sông, suối không? Nguồn nước chảy từ đâu? Cụ thể, nước từ sông Thương đổ về từ vùng núi cao cách nhà khoảng 40 km. Nếu mưa lớn, kéo dài chắc chắn sẽ làm ngập vùng trũng nơi nhà chị.
Đau thương, thảm khốc sau bão Yagi: Thiệt hại khoảng 40.000 tỉ, GDP có thể giảm 0,15%
Cách bảo vệ tài sản trong lũ
Chuyên gia kỹ năng sống và quản trị hạnh phúc gia đình Lê Thanh Lưu nói rằng, với những nơi chưa đến mức phải đi sơ tán, khi nhận định có nguy cơ bị lũ đến thì người dân cần kịp thời tìm các phương án ứng phó làm sao để ít tốn kém nhưng tính khả thi cao.
Chuyên gia Lê Thanh Lưu cho biết ngoài việc bảo vệ tính mạng trong lũ lụt thì tài sản là thứ quan trọng và đảm bảo không thiệt hại nhiều sau lũ cũng là vấn đề được người dân quan tâm. Do đó, chuyên gia này gợi ý nhiều phương án bảo vệ tài sản trong lũ lụt.
Về xe máy, trước khi lũ đến, người dân thì chỉ cần buộc dây cố định ở một góc nào đó. Mục đích để xe không bị trôi dạt, dễ tìm lại sau lũ.
Còn với ô tô, chuyên gia khuyên nên tìm tấm bạt chống nước lớn rồi cho lăn qua rồi bó lại phía trên nóc. Kích thước tấm bạt tầm 6x10m (loại bạt mặt xanh hoặc cam bà con vẫn dùng để phơi lúa).
"Nhớ buộc dây treo phía trên giúp xe thăng bằng, khi nước lên xe sẽ nổi theo. Lưu ý khi nước lên có thể co dây theo nhưng phải kịp nới dây khi nước xuống vì sức nặng của xe có thể kéo sập nếu buộc vào xà nhà", chuyên gia này nói.
Về lương thực như lúa, thóc hay gia súc, gia cầm…, chuyên gia này chỉ cách, người dân cứ bỏ thóc, lúa vào và bao lại bằng túi ni lông. Sau đó để thật cao kèm níu dây, cho nổi theo con nước mà không bị trôi mất là được.
Về gia súc, người dân tìm cách buộc phao dã chiến vào cổ, hai bên hông rồi buộc dây níu lại, nước lên thì chỉnh dây theo. Còn gia cầm có thể làm bè riêng cho các lồng nuôi loại nhẹ.
Chia sẻ về cách làm phao cho gia sức, chuyên gia này nói: "Về cơ bản, cứ tính đầu của gia súc, ước chừng trọng lượng kg rồi đổi ngang sang đơn vị lít, làm dư một chút sẽ ra dung tích phao hơi cần thiết. Ví dụ đầu trâu khoảng 30 kg, chúng ta tính ngang 30 lít nước, làm dư lên tương đương cái can 40 lít nước sẽ giúp con trâu nổi đầu trong nước. Tương tự như vậy có thể tính được các loại phao bó hông giúp gia súc nổi được tốt hơn trong lũ lụt".
Bình luận (0)