Như Thanh Niên thông tin, trong những ngày qua, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh 3 cây xanh đã trồng hàng chục năm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) bị đốn hạ khi cành lá vẫn tươi tốt, gây ra những ý kiến trái chiều. Trả lời PV Thanh Niên, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM xác nhận trong ngày 24, 25 và 26.11 đã đốn hạ 3 cây dầu phân loại 3 (cây có đường kính gốc lớn hơn 50 cm) trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) để đảm bảo an toàn cho khu vực. Theo đơn vị này, 3 cây dầu đang trong tình trạng già cỗi, lệch tán, thân cong nghiêng vào phía trong, rễ nổi gây hư bó vỉa hè. “Công ty cây xanh là đơn vị kiểm tra, đề xuất các trường hợp cây xanh nguy hiểm để Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật và Sở Xây dựng TP.HCM xem xét ra giấy phép đốn hạ. Có giấy phép đốn hạ, công ty mới phân công nhân viên thực hiện đốn hạ, qua đó đảm bảo an toàn cho khu vực”, đại diện Công ty cây xanh nói.
Ba cây dầu bị đốn hạ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có đường kính trên 0,5 m |
V.P |
Trước khi đốn hạ 3 cây dầu, Công ty cây xanh đã gửi đề xuất đến Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đề xuất đốn hạ cây xanh trên địa bàn Q.1, Q.3, Q.5, Q.6 và Q.10, trong đó có 3 cây dầu kể trên. Đề xuất được Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM thông qua bằng Công văn số 4000/TTHT-CVCX ngày 17.11.2021.
Đốn hạ chỉ nên là giải pháp cuối cùng
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên đồng tình việc đốn hạ những cây lâu năm có dấu hiệu hư hại, khiếm khuyết, nguy cơ ngã đổ cao, nguy hiểm cho người dân. “Dù rất tiếc cho những cây này, nhưng tôi đồng tình với việc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM cho đốn hạ để tránh nguy hiểm cho người dân. Đây là việc chẳng đặng đừng nếu không còn giải pháp nào khác”, BĐ Duy Minh ý kiến. Tương tự, BĐ Hữu Giang viết: “Tôi nghĩ việc giữ lại những cây như vậy cũng là điều cần thiết vì vừa phủ xanh, vừa cung cấp bóng mát. Thế nhưng, việc cần quan tâm hơn là sự an toàn của người dân, đặc biệt là người đi đường. Có thể bây giờ không sao, nhưng đến mùa mưa bão, ai là người đứng ra chịu trách nhiệm nếu như có tai nạn xảy ra? Vì vậy cần xem xét đánh giá thật kỹ, nếu giữ lại phải có giải pháp an toàn”.
BĐ Lê Duyên thì cho rằng nếu như chặt cây già cỗi vì sự an toàn của người dân thì hoàn toàn chia sẻ, nhưng cơ quan chức năng trước khi chặt hạ nên tiến hành khảo sát, đánh giá, thậm chí nhờ đến đội ngũ các chuyên gia có chuyên môn sâu ở lĩnh vực này với các máy móc hiện đại để xem xét thấu đáo, khách quan. “Nhiều khi nhìn bằng mắt thường bên ngoài có thể có dấu hiệu hư hại nhưng bên thân trong còn rất tốt, khi đó có thể nuôi dưỡng, phục hồi lại cây. Cần cố gắng hết mức để giữ lại mảng xanh quý giá cho thành phố”, BĐ này ý kiến.
“Việc chặt cổ thụ hàng chục năm tuổi như thế này thành phố phải hết sức cân nhắc, vì không dễ gì thay thế liền trong ngày một ngày hai. Hiện nay mảng xanh trong thành phố rất ít, vì vậy đốn hạ chỉ nên là giải pháp cuối cùng nếu phương án nuôi dưỡng, phục hồi cây không còn hiệu quả”, BĐ Ngọc Diễm góp ý.
Cần tăng mảnh xanh trong phố
Đại diện Công ty cây xanh cũng cho hay hàng cây dầu trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trồng từ trước năm 1975. Sau khi đốn hạ 3 cây dầu trên, công ty sẽ thực hiện trồng lại các cây me chua tại vị trí cũ. Về vấn đề này, BĐ Huong Nguyen góp ý: “Đốn hạ để tránh nguy hiểm là vấn đề cần làm. Tuy nhiên, đốn cây dầu trồng cây me thì theo tôi là không nên. Nên trồng lại cây dầu hoặc cây sao, là những cây lớn nhanh, ít rụng lá và dễ thu gom. Còn me thì lá nhỏ rụng nhiều khó gom sẽ góp phần gây tắc cống, chưa kể cây bóng mát mà quả ăn được sẽ gây nguy hiểm”.
“Trong giai đoạn như hiện tại, việc giữ lại cây xanh cho thành phố là điều cần thiết. Nếu đã quyết định đốn hạ những cây có dấu hiệu già cỗi, thành phố phải tính đến phương án thay thế với những loại cây phù hợp với thực tiễn, được nghiên cứu kỹ càng. Ngoài ra, việc trồng và chăm sóc cây ở đô thị cũng cần xem lại, nhiều nơi cây xanh bị xi măng lấp kín nên phát triển rất kém”, BĐ Tuấn Vũ ý kiến. Còn BĐ Phạm Hải đề xuất từ thực tiễn: “Thực tế cho thấy hiện nay cây xanh ở thành phố khá ít. Nhiều nơi đất trồng cây được nhường lại cho các dự án đô thị hiện đại. Tôi nghĩ phải quan tâm hơn câu chuyện phát triển bền vững, đẩy mạnh kinh tế, nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Chúng ta cần tạo ra thêm nhiều mảng xanh trên thành phố vì điều đó tác động đến cuộc sống sau này rất nhiều”.
* Phần rễ cọc chính của cây bị mục hết rồi, chặt hạ cho an toàn và trồng mới là thượng sách.
Hung Hoang
* Chặt thì dễ, trồng và dưỡng được cây như vậy mới khó. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đốn hạ bất cứ cây nào.
Ngọc Hiển
Bình luận (0)