Đơn hàng đã trở lại với nhiều ngành xuất khẩu

31/07/2023 06:34 GMT+7

Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN đã sụt giảm mạnh bởi ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới, liệu rằng những tháng cuối năm có thể bứt tốc về đích hay lỡ hẹn với chỉ tiêu đề ra?

TÍN HIỆU BẮT ĐÁY

Những tháng đầu năm, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của VN như đồ gỗ, thủy sản… đối mặt tình trạng sụt giảm đơn hàng khá mạnh. Thời gian gần đây đã bắt đầu có những tín hiệu tươi sáng hơn. Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành, cho biết: "Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của VN tiếp tục giảm mạnh do tác động từ tình hình khó khăn và sức mua sụt giảm của nhiều nền kinh tế lớn. Nhưng từ cuối tháng 6 đến nay, thị trường xuất khẩu gỗ bắt đầu có những tín hiệu tích cực trở lại khi lượng khách hỏi hàng, hỏi giá nhiều hơn. Thị trường bắt đầu khởi sắc lại".

Đơn hàng đã trở lại với nhiều ngành xuất khẩu - Ảnh 1.

Khách hàng ngành gỗ đang tìm kiếm đối tác kinh doanh tại VN

HAWA

Khảo sát sơ bộ của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho thấy đơn hàng ở các doanh nghiệp (DN) trong ngành giảm gần 30% thời gian qua, nhưng từ tháng 7.2023 DN đã đón nhận lại đơn hàng. "Mặc dù chưa nhiều, nhưng ngành nội thất VN hoàn toàn có khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đề ra đầu năm 2023", ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, nhận định.

Bà Cao Thị Cẩm, đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN (Viforest), cũng cho biết mặc dù xuất khẩu gỗ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023 nhưng trong các sản phẩm vẫn có những nhóm hàng tăng trưởng. Điển hình như mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt gần 32 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với sản phẩm dăm gỗ, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu dăm gỗ đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ từ VN. Dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lượng tiêu thụ 100.000 tấn/tháng. Còn tại Nhật Bản, các DN Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2 - 3 năm cung cấp viên nén.

Tương tự, ngành xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn từ đầu năm đến nay vì giá bán xuống thấp, cạnh tranh khó khăn. Tuy nhiên, cơ hội vẫn đang dần được tìm lại trong những tháng cuối năm khi thị trường hồi phục.

Chia sẻ về tín hiệu khả quan đối với mặt hàng tôm, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy hải sản Minh Phú, dự đoán: "Thị trường xuất khẩu thủy sản từ tháng 8.2023 trở đi sẽ tốt lên khi nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ, Ecuador và VN đều giảm mạnh, trong khi đó, nhu cầu trên thế giới dần phục hồi. Như vậy, tình hình tôm nguyên liệu cuối năm sẽ thiếu. Do đó, các đơn vị sẽ có cơ hội bán và giảm hàng tồn kho khi nhu cầu tiêu thụ vào mùa lễ hội cao điểm cuối năm tăng cao. Vấn đề hiện nay là giá thành sản xuất tôm của VN là 4,8 - 5 USD/kg, cao gần gấp đôi so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg). Điều này khiến việc cạnh tranh tìm kiếm đơn hàng của các DN xuất khẩu tôm gặp khó khăn".

Theo Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản VN (VASEP), thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của VN là Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này kỳ vọng sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý 3/2023.

Chấn chỉnh chất lượng rau quả xuất khẩu để hướng đến mốc chục tỉ USD

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG, TÍCH CỰC "SĂN ĐƠN"

Nói về cơ hội của ngành xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn cuối năm, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, nhận định: "Những mặt hàng có lợi thế của VN không bị áp lực cạnh tranh với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador là các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, hiện nay ở các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… vẫn đang được tiêu thụ tốt. Bên cạnh đó, thị trường các nước Đông Nam Á mặc dù chiếm thị phần nhỏ nhưng ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát so với các thị trường lớn, khoảng cách vận chuyển gần, đây là những điểm sáng cho các DN có thể kỳ vọng trong thời gian tới".

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, các DN thủy sản đều xác định đây là khoảng thời gian xem xét, rà soát lại chi phí sản xuất, giữ ổn định số lượng lao động và thu nhập cho người lao động, không mở rộng đầu tư. Đây cũng là giai đoạn DN dành thời gian nghiên cứu các sản phẩm mới cho phù hợp với bối cảnh thị trường hậu Covid-19 và lạm phát cao.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, khuyến khích: "Các DN phải chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường ấm lên. Đây cũng là giai đoạn DN cần nhìn lại để tái cơ cấu sau nhiều năm phát triển và tăng trưởng nóng. Đáng nói, hiện nay có tình trạng DN chủ yếu gia công và xuất khẩu qua các nhà buôn lớn mà chưa có được thương hiệu riêng, vì vậy DN cần thiết phải đầu tư xây dựng thương hiệu để đi đường dài. Các DN cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào tiêu chí giá sản phẩm tốt, phù hợp với thị hiếu, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời phát triển thị trường ngách để duy trì tăng trưởng".

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, việc tích cực mở rộng thị trường, "săn" các đơn hàng từ khách hàng mới là giải pháp được nhiều DN lựa chọn để thúc đẩy xuất khẩu. Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), khuyến nghị: "Các hiệp hội cần chủ động phối hợp với Bộ Công thương xây dựng, lựa chọn các nhóm hàng, mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đặc biệt ưu tiên các thị trường tiềm năng, thị trường có lợi thế về hiệp định tự do FTA".

Đơn hàng đã trở lại với nhiều ngành xuất khẩu - Ảnh 2.

Tuy nhiên, theo một số DN, chi phí để tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế không phải nhỏ. Đa phần các DN của VN là nhỏ và vừa nên phải cân đo đong đếm chi phí. "Do đó, hiện nay chúng tôi đang đi theo cách riêng của mình là tăng cường hoạt động online marketing, luôn cập nhật thông tin trên website, fanpage… và sẵn sàng gửi miễn phí hình ảnh nhà máy, trang thiết bị mẫu để đối tác kiểm tra chất lượng sản phẩm khi có yêu cầu. Hình thật, người thật, việc thật, và sẽ có đơn hàng thật", một DN cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.