'Siết cửa nhỏ, mở cửa lớn' cho hàng xuất khẩu qua Trung Quốc

Chí Nhân
Chí Nhân
23/03/2023 04:16 GMT+7

Bộ Công thương mới xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới theo hướng siết xuất khẩu tiểu ngạch.


Siết tiểu ngạch để tránh ùn ứ, tăng chất lượng

Cụ thể theo dự thảo này, từ ngày 1.1.2025, hàng xuất theo phương thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) sẽ bị giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế. Hàng xuất khẩu tiểu ngạch phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Chỉ cư dân khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân và phải có mặt trực tiếp làm thủ tục xuất cảnh. Lộ trình là đến năm 2028, các cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép, xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

“;iết cửa nhỏ, mở cửa lớn' cho hàng xuất khẩu  qua Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến đặt vấn đề “siết tiểu ngạch” tăng chính ngạch để lành mạnh hóa thị trường

Lã Nghĩa Hiếu

"Việc siết lại xuất hàng tiểu ngạch nhằm đưa việc trao đổi, mua bán hàng hóa hằng ngày của cư dân biên giới về đúng bản chất, đúng thông lệ quốc tế, tuân thủ yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc nước sở tại và tránh tái diễn tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu như trước", dự thảo viết.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương nhận định có thực tế là nhiều nông sản Việt chưa được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhưng vẫn còn tình trạng xuất hàng bằng đường tiểu ngạch. Nguyên nhân là các doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng hình thức này lập danh sách cư dân, sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế để nhập khẩu các lô hàng lớn. Nhưng từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã "siết" nhập khẩu tiểu ngạch bằng cách áp dụng các lệnh quản lý an toàn thực phẩm với hàng xuất tiểu ngạch vào nước này. Vì thế, hàng hóa trao đổi cư dân biên giới sẽ không còn nhiều cơ hội như trước nữa.

Trả lời Thanh Niên, đại diện cộng đồng doanh nghiệp phía Trung Quốc thừa nhận nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa qua đường biên mậu từ VN chỉ quan tâm đến giá cả và mức phí thông quan cho mỗi container hàng là "mấy chục vạn tệ". Họ hoàn toàn không biết gì về mức phí đó gồm những khoản nào, thuế gì? Chính vì vậy, giai đoạn đầu siết lại xuất khẩu tiểu ngạch chắc chắn sẽ có một số khó khăn.

"VN có vị trí địa lý đặc biệt và lợi thế đường biên giới với Trung Quốc dài, nên việc hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch phải đồng nghĩa các chính sách, cơ chế xuất khẩu hàng hóa chính ngạch đường bộ được thông thoáng và thuận lợi hơn để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp", người này nói.

Mở chính ngạch, đầu tư sản xuất

Theo các chuyên gia, có một thực tế là trước giờ chúng ta "bị trói" vào việc xuất khẩu tiểu ngạch một phần vì thói quen sản xuất dễ dãi, một phần vì nhu cầu của đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc, lẩn tránh thuế và thuế thấp để dễ bán hàng hơn. Đó là lý do vì sao một số mặt hàng nông sản dù được phép xuất khẩu chính ngạch thì phần lớn vẫn đi tiểu ngạch vào Trung Quốc.

Trong lĩnh vực nông sản, thị trường Trung Quốc tiêu thụ phần lớn rau quả của VN. Trả lời Thanh Niên xung quanh dự thảo quy định của Bộ Công thương, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, phân tích: Nếu siết tiểu ngạch, kim ngạch xuất khẩu theo số liệu hải quan có thể sẽ tăng chứ không giảm. Tuy nhiên, vấn đề là hàng hóa VN sẽ tăng giá và giảm tính cạnh tranh. Mức thuế chính ngạch sẽ đi vào túi tiền của người tiêu thụ Trung Quốc hoặc ngược lại sẽ đè lên nhà sản xuất VN. Nên trong giai đoạn đầu có thể xuất khẩu bị ảnh hưởng ít nhiều. Ở chiều ngược lại, việc này sẽ thúc đẩy nền sản xuất trong nước tiến bộ hơn; giảm thiểu các rủi ro thị trường như thời gian qua.

"Lộ trình siết xuất khẩu tiểu ngạch như thế nào là hợp lý cần phải được căn cứ vào kết quả đàm phán mở cửa thị trường của các bộ ngành liên quan. Bên cạnh đó là các kế hoạch thúc đẩy sản xuất trong nước theo hướng hiện đại", ông Nguyên nêu ý kiến.

TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Cần Thơ, nhận định: Những năm qua, xuất khẩu tiểu ngạch giúp cho những người làm ăn nhỏ lẻ và đặc biệt là sản xuất nông nghiệp có cơ hội thị trường. Nhưng xuất tiểu ngạch cũng để lại nhiều vấn đề, đặc biệt là sự "láo nháo", lúc nóng lúc lạnh theo tín hiệu cửa khẩu; nông dân cũng không ít phen nhận "trái đắng". Nên những năm gần đây nhiều ý kiến đã đặt vấn đề "siết tiểu ngạch" tăng chính ngạch để lành mạnh hóa thị trường và nâng tầm sản xuất, chất lượng của VN theo chuẩn mực thế giới. "Xuất khẩu tiểu ngạch có vai trò lịch sử. Nay Trung Quốc đã thay đổi thì bên mình cũng nên kết thúc sớm", TS Dũng nêu quan điểm.

Hiện hàng xuất qua các cửa khẩu biên giới, trong đó có Trung Quốc, gồm hàng xuất chính ngạch theo thông lệ quốc tế và trao đổi cư dân (tiểu ngạch). Hàng xuất diện này được hưởng các ưu đãi, như miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế với hàng dưới 8.000 nhân dân tệ một người một ngày.

Đồng quan điểm siết xuất khẩu tiểu ngạch, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế tại ĐBSCL, nói: Siết tiểu ngạch tăng chính ngạch là xu hướng đúng. Quan trọng là lộ trình thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất? Các mốc thời gian chỉ là một phần cứng của vấn đề. Quan trọng hơn đó chính là sự phối hợp của hai nước. Bên cạnh đó, chúng ta nói đến vấn đề cửa khẩu là liên quan đến cả chuỗi sản xuất, chế biến cả nông nghiệp lẫn công nghiệp trong nước rồi thương mại, giao thông… Nghĩa là cả hệ thống, dây chuyền bên trong phải chuyển động theo. Ví dụ như nông nghiệp, phải tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch là có mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến, thậm chí là chế biến sâu. Các địa phương, bộ ngành có liên quan và doanh nghiệp tham gia vào; toàn bộ hệ thống phải chuyển động và vận hành theo. Chúng ta cũng cần phải chọn ra được những mặt hàng chủ lực theo thứ tự ưu tiên để tăng cường đàm phán với phía bạn để mở cửa chính ngạch. Trong vấn đề này, ngoài vai trò của Bộ Công thương thì sự phối hợp của Bộ NN-PTNT cũng rất quan trọng. Khi làm được như vậy thì chúng ta mới có câu trả lời chính xác là lộ trình như thế nào là hợp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.