Đơn hàng ngành may 'đầy' đến tháng 10, nhưng giá rất thấp

21/06/2024 11:04 GMT+7

Hầu hết doanh nghiệp ngành may đã đủ đơn hàng đến tháng 9, tháng 10 và đang đàm phán cho giai đoạn tiếp theo, tuy nhiên giá rất thấp.

Khởi sắc nhờ đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 5 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt gần 16 tỉ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Đơn hàng ngành may 'đầy' đến tháng 10, nhưng giá rất thấp- Ảnh 1.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt gần 16 tỉ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước

ĐT

Cụ thể, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỉ USD; Bangladesh chỉ tăng 3,9%, đạt 21,7 tỉ USD (Bangladesh tháng 5 giảm mạnh 16%).

Tuy nhiên, đại diện Vinatex nhấn mạnh, cần nhìn nhận sự khởi sắc của xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện mà có sự dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam.

Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu phân tích, với ngành may, năm 2024 có những tín hiệu thuận lợi hơn. Với ngành may nói chung và các doanh nghiệp may trong tập đoàn nói riêng, câu chuyện đơn hàng không quá khó. Các doanh nghiệp đủ đơn hàng từ những tháng đầu năm.

"Hầu hết doanh nghiệp may trong tập đoàn đã có đơn hàng đến tháng 9, tháng 10. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là giá đơn hàng không tăng. Doanh nghiệp làm với giá rất thấp, tương đương mặt bằng chung của giá năm 2023", ông Hiếu nhấn mạnh.

"Năm 2022 - 2023, ngành dệt may bắt đầu gặp khó khăn sau năm thăng hoa 2021. Với ngành may, giá giảm rất sâu, tới 20%, thậm chí có những mã hàng, giá giảm tới 50% so với thời điểm trước đó.

Có những doanh nghiệp vài nghìn lao động mà phải nhận cả những đơn hàng vài nghìn sản phẩm, giá rất thấp nhưng vẫn phải nhận. Mặt bằng giá mới được thiết lập tương đối thấp và sẽ tiếp tục trong năm nay", lãnh đạo Vinatex lý giải rõ hơn.

Với ngành sợi, ông Hiếu cho biết, nửa đầu năm nay có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước, lỗ đã giảm khoảng 70 - 80%, nhưng vẫn còn lỗ. Giá bông liên tục thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, lên xuống thất thường. 

"Giá bông lên, giá sợi chưa lên nhưng giá bông xuống là giá sợi xuống ngay. Bông phải nhập khẩu 3 - 4 tháng sau mới về đến kho để làm sản phẩm sợi. Doanh nghiệp làm sợi theo giá bông nhập khẩu ở thời điểm cách đó khoảng 3 - 4 tháng. Tuy nhiên, nếu ở thời điểm hiện tại giá bông đã xuống thì sợi sản xuất ra lập tức bị xuống giá theo", ông Hiếu nói.

"Không phải là doanh nghiệp chấp nhận làm lỗ"

Dự báo 6 tháng cuối năm, nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng. Trong khi đó, các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15 - 20% để hỗ trợ xuất khẩu, giành lại thị phần.

Do đó, Vinatex nhìn nhận các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện. Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn hàng ngành may 'đầy' đến tháng 10, nhưng giá rất thấp- Ảnh 2.

Dự báo, mục tiêu xuất khẩu khoảng 44 tỉ USD của dệt may Việt Nam trong năm nay sẽ khả thi

ĐT

Trong bối cảnh hiện tại, đối mặt với khó khăn về giá thấp của ngành may, lãnh đạo Vinatex nhấn mạnh: "Không phải là doanh nghiệp chấp nhận làm lỗ. Khi đã có giá rồi, bằng mọi cách doanh nghiệp phải quản trị thật tốt để tăng năng suất, chất lượng và tiết kiệm chi phí, cố gắng tối ưu chi phí để có hiệu quả cao nhất".

Cho biết các doanh nghiệp đang đàm phán đơn hàng những tháng cuối năm, theo ông Hiếu, chủ yếu là các doanh nghiệp muốn nâng giá lên. Câu chuyện ở đây là kiên trì đàm phán để được giá tốt nhất trong điều kiện chi phí đầu vào tiếp tục tăng.

Trên cơ sở tín hiệu đơn hàng của ngành may, các tín hiệu của ngành sợi, dệt nhuộm, ông Hiếu dự báo năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may sẽ tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2023.

Về con số cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mục tiêu xuất khẩu khoảng 44 tỉ USD của dệt may Việt Nam trong năm nay là khả thi.

"Trước mắt, Vinatex sẽ tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh.

Cạnh đó, thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Hiếu chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.