Dồn sức bảo vệ rừng

01/04/2016 10:08 GMT+7

Nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn dữ dội khiến hàng trăm ngàn héc ta rừng tại ĐBSCL khô cạn, nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) đang vô cùng cấp bách...

Nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn dữ dội khiến hàng trăm ngàn héc ta rừng tại ĐBSCL khô cạn, nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) đang vô cùng cấp bách...

Lực lượng chức năng Cà Mau tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: An LạcLực lượng chức năng Cà Mau tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: An Lạc
Nguy cơ cháy cao
Theo Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm này, toàn bộ diện tích rừng ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Cà Mau và 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) đang có nguy cơ cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Hiện toàn vùng ĐBSCL đang vào mùa khô hạn gay gắt, xâm nhập mặn bao vây làm cho nhiều tán rừng không còn giữ được độ ẩm nên rất dễ xảy ra cháy. Ông Hồ Văn Hoàng, Trưởng phòng Quản lý và bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang), lo ngại: “Diện tích rừng bị khô kiệt cứ gia tăng từng ngày. Nếu như trước đây chúng tôi trăn trở khi 2.000 ha rừng ở H.Giang Thành không giữ được nước, khiến nguy cơ cháy cao thì sau đó là 1.300 ha ở H.An Minh bị cạn nước phải tăng cường bảo vệ. Gần đây là 35.000 ha rừng ở Phú Quốc cũng rơi vào tình cảnh nguy hiểm, nếu xảy ra cháy sẽ khó cứu chữa bởi địa hình phức tạp. Vì thế, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đang siết chặt công tác bảo vệ, không cho người lạ mặt vào rừng, nhằm hạn chế nguy cơ cháy xảy ra”.
Tại Cà Mau, ngành kiểm lâm đã tổ chức canh gác xuyên suốt ngày đêm để PCCR. Theo ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, toàn bộ diện tích rừng tràm 8.526 ha của đơn vị đang có nguy cơ cháy rất cao, nên 100% quân số được huy động trực 24/24, cứ 15 phút là phải báo cáo tình hình về trung tâm một lần để có hướng xử lý.
Ở Trạm Kiểm lâm Kênh Đứng (thuộc Vườn quốc gia U Minh Hạ), có 4 người thay phiên nhau gác trên chòi cao; đồng thời tranh thủ lội vào rừng tuần tra xem có người lạ xâm nhập trái phép hay không. Cán bộ kiểm lâm sợ nhất là người dân tự ý vào rừng bắt cá và lấy mật ong vô tình gây ra cháy. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết toàn bộ diện tích rừng tràm Cà Mau với hơn 43.000 ha đã khô cạn hoàn toàn. Nhiệm vụ PCCR sẽ được thực hiện xuyên suốt từ nay cho đến hết mùa khô…
Sẵn sàng ứng phó
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa khô, các đơn vị quản lý rừng đã huy động hàng ngàn lực lượng ứng trực 24/24 ở 126 tháp, chốt canh lửa. Song song đó bố trí 86 tổ máy bơm công suất lớn, gần 6,4 km ống dẫn nước chữa cháy được triển khai đến từng vị trí cần thiết ở các khu rừng. Chi cục Kiểm lâm cũng yêu cầu các chủ rừng xử lý thông thoáng khoảng 90 km đường lưu thông xuyên rừng, hơn 200 km kênh rạch, bố trí 80 vỏ máy luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết đơn vị vừa tăng cường thêm 4 tổ máy bơm làm nhiệm vụ canh lửa ở rừng tràm U Minh Hạ. Mỗi tổ được bố trí 4 người, hoạt động từ đây đến khi kết thúc mùa khô 2016.
Tại Đồng Tháp, lãnh đạo Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết đã huy động hàng trăm người cùng nhiều phương tiện phục vụ công tác PCCR. Cái khó ở Vườn quốc gia Tràm Chim là không chỉ chống cháy cho rừng tràm mà còn có hệ sinh thái đa dạng với 130 loài cá nước ngọt, 132 loài chim, nhiều diện tích lúa ma, năn, cỏ ống… tạo thành hệ sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, tất cả cần được giữ gìn và phát triển.
Còn ông Hoàng cho biết những ngày qua, tại H.Phú Quốc đã xảy ra một vài vụ cháy rừng sản xuất nhỏ lẻ do người dân vô tình gây ra, dù thiệt hại không lớn nhưng cũng đáng báo động để tăng cường phòng chống. Ngành kiểm lâm đang thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và siết chặt quản lý nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy có thể xảy ra, bởi mùa khô còn kéo dài cho đến tháng 5, 6… Trước tình hình trên, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các ngành liên quan, các chủ rừng triển khai có hiệu quả phương án PCCR; đào giếng trữ nước ở vùng trọng điểm, tăng cường đắp cống đắp đập giữ nước, khoanh vùng những nơi nguy cơ cháy cao để chuẩn bị sẵn sàng dập lửa khi mới phát sinh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.