Nhiều cuộc gặp gỡ của các nhà đầu tư Nhật với chính quyền các tỉnh thành cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật đối với lĩnh vực nông nghiệp của VN đang tăng lên.
Kỹ sư Nhật hướng dẫn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thăm dự án Làng rau thần kỳ Đà Lạt - Ảnh: Lâm Viên
|
Tại Hội thảo hợp tác đầu tư về nông nghiệp diễn ra tại Đà Lạt vào giữa tháng 3.2015, đại diện Công ty tư vấn DI của Nhật nhấn mạnh: “Đây là thời cơ lớn để Lâm Đồng trở thành cụm sản xuất hàng đầu xuất khẩu cho Nhật Bản, đặc biệt hai nhóm sản phẩm chủ lực là rau và hoa”. Theo nghiên cứu của DI, gần 70% nhu cầu nhập khẩu rau củ và gần 60% nhu cầu hoa cắt cành của Nhật là từ nguồn nhập khẩu của các nước châu Á.
|
Ngày 8.4, Tập đoàn Showa Denko của Nhật đã quyết định đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy rau sạch tại tỉnh Hà Nam bằng công nghệ đèn Led, đẩy mức tăng trưởng của rau cao gấp 2,5 lần so với trồng trong ánh sáng thường. Trước mắt, dự án sẽ được thực hiện thí điểm tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 của tỉnh. Kết quả sản phẩm sẽ thu hoạch vào cuối năm nay và nếu thành công, mô hình sẽ được nhân rộng trên toàn tỉnh. Hiện Showa Denko đã có 21 nhà máy trồng rau sạch theo công nghệ đèn Led tại Nhật Bản. Cách đây hơn 1 năm tại Đà Lạt, dự án làng rau thần kỳ kiểu Nhật do Công ty An Phú Đà Lạt liên doanh với nhà đầu tư Nhật đã được triển khai. Hiện sản phẩm của làng rau này đã cung cấp cho nhiều siêu thị tại TP.HCM, công ty đang chuẩn bị mở rộng diện tích trồng rau từ 4 ha lên 8 ha. Trước đó vào tháng 9.2014, Công ty Jadin của Nhật cũng thuê đất sản xuất giống và hoa cao cấp tại Đà Lạt để xuất khẩu trở lại thị trường Nhật.
“Họ là những người làm ăn đàng hoàng”
|
TS nông học Phạm Mạnh Kha, Việt kiều Nhật và từng tham gia đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt sang Nhật, chia sẻ: “Đây là cơ hội quá tốt cho nông nghiệp Việt. Không riêng tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia được thế giới đánh giá cao về trình độ, kỹ thuật và kỷ luật trong sản xuất nông nghiệp. Hợp tác với Nhật, nhà nông Việt chắc sẽ hưởng lợi nhiều hơn như cơ hội nâng cao trình độ làm nông nghiệp hiện đại, học hỏi nhiều chuyên môn hơn, làm việc chuyên nghiệp, có nguyên tắc hơn và quan trọng nhất là sản phẩm có cơ hội được đưa sang các thị trường lớn khó tính. Chưa quá lạc quan song tôi hy vọng nông sản Việt sẽ nâng tầm nếu hợp tác được với Nhật một cách bài bản”.
GS Xuân cũng cho rằng: “Nông nghiệp Nhật chuyên môn hóa rất cao, nên khi hợp tác với Nhật, nhà nông Việt có cơ hội học cách làm việc quy mô hơn, chặt chẽ, không manh mún. Đặc biệt học cách người ta không dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn cho ra sản phẩm chất lượng. DN Việt có thể học cách họ xây dựng nhà máy, chế biến bảo quản sản phẩm thế nào tốt nhất và cơ hội để nhận chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp rất lớn”.
Bình luận (0)