Đơn xin 'ly dị' môn văn

23/10/2017 19:30 GMT+7

Trải qua 4 năm du học, không chỉ cảm nhận từ bản thân mà còn lắng nghe chia sẻ của bạn bè, cuối cùng Lê Uyên Phương, du học sinh ngành tài chính tại Hà Lan viết lá đơn 'li dị' với môn ngữ văn.

Bằng lối viết vui nhộn, Uyên Phương chỉ ra thực trạng của việc dạy và học văn trong trường phổ thông và đưa ra những mong muốn cụ thể theo kiểu “tối hậu thư với một nửa của mình”.

Lê Uyên Phương viết rằng:
Em tên là Phương, du học sinh đang trầy trật để thi đậu mấy môn cuối và tìm việc.
Còn nửa kia của em là ngữ văn.
Bọn em đã bên nhau được 12 năm, mà tạm xa rời vì bây giờ em đã có nhiều bạn khác thú vị hơn. Nguyên nhân khiến cho em viết lách, giao tiếp và phản biện vô cùng kém so với những đứa bạn đến từ các nước khác. Bởi:
Thứ nhất: Tính gia trưởng
Đề bài yêu cầu học sinh nêu cảm nghĩ của mình về một vấn đề/tác phẩm, nhưng nếu cảm nghĩ của học sinh mà không giống với bảng điểm là "không có ý để chấm" --> 1.000 học sinh sản xuất ra 1.000 phiên bản khác nhau vài cái chấm phẩy --> từ trong trường lớp học sinh đã bị hạn chế chuyện nêu ra ý kiến của mình!
Thứ hai: Hay mơ mộng
Mình cảm thấy chuyện học văn rất hữu ích, vì trong cuộc sống mình sử dụng văn nhiều hơn toán. Ví dụ nhé! Mình bị lạc mất con mèo và muốn nhờ mọi người giúp, thế thì phải biết sử dụng văn miêu tả làm sao cho người ta tưởng tượng ra con mèo nhà mình. Thế nhưng mèo ở Việt Nam, 100 con thì tới 99 con có đôi mắt như hai hòn bi ve!
Thứ ba: Không chịu tiếp thu cái mới
Trong trường học, thầy cô miệt mài yêu cầu học sinh đọc những tác phẩm kinh điển, đọc về các tấm gương anh hùng,... nhưng học sinh thì lúc nào cũng chỉ facebook, nơi mà nhiều thứ như cô ca sĩ này mới hắt hơi sổ mũi... thế là công sức giảng dạy của thầy cô đổ sông đổ bể, chỉ vì chương trình không còn đáp ứng thị hiếu của giới trẻ được nữa.
Mong muốn thay đổi:
Em mong môn ngữ văn...
Hãy dạy em cách để viết một lá thư xin việc
Hãy dạy cho em được nêu cảm nghĩ thật của mình về một vấn đề trong xã hội và cả lớp được cùng nhau phản biện để bảo vệ ý kiến của mình.
Hãy dạy em cách quảng bá bản thân để gây được sự chú ý của các công ty.
Hãy dạy cách viết một đoạn lời thoại quảng cáo cho một sản phẩm.
Hãy dạy em cách viết một lá thư tình thật ấn tượng.
Kết: Hãy trở thành một nửa lý tưởng của mọi bạn đời, chứ đừng là kẻ lúc nào cũng bị ly dị sau 12 năm gắn bó.

Chia sẻ về ý tưởng viết “lá đơn” trên, Uyên Phương nói: “Thực ra ý tưởng của các thầy cô là chuẩn, sâu sắc, tuy nhiên vô tình điều đó khiến học sinh quên đi cảm nhận riêng của mình. Em đã đi du học và em nhận thấy khả năng diễn đạt, thuyết trình và biện luận của bản thân và nhiều bạn người Việt khác thua kém người ta. Em giờ đã tiến bộ rồi, chứ trước kia rất rụt rè, thấy các bạn trong nhóm sai nhưng mình không biết lập luận sao để thuyết phục các bạn tin mình. Điều đó khiến em nghĩ là tại sao mình đã học viết văn nghị luận bao nhiêu năm mà giờ lại kém thế!

Không chỉ đồng tình với suy nghĩ của du học sinh Lê Uyên Phương,  cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM còn chia sẻ “lá đơn” với bạn bè của mình trên mạng xã hội.

Cô Diễm Quyên nói lên quan điểm: “Lỗi không chỉ bởi những thầy cô giáo dạy văn. Lỗi còn ở điều mà không nói ra nhưng ai cũng hiểu. Tuy nhiên, trách nhiệm vẫn thuộc nhiều về chúng ta, những người thầy! Giống như một đầu bếp nấu cho xong món ăn hay đầu bếp cố gắng tìm kiếm công thức riêng và nấu nó với tất cả tình yêu của mình thì thịt kho tàu chỉ còn là giống nhau cái tên nhưng chất lượng và mùi vị đã hoàn toàn khác hẳn. Hãy đọc bài viết này để bắt đầu kho những nồi thịt thật thơm phức nhé các bạn tôi!”

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.