Donald Trump và Bernie Sanders: Mạnh miệng kiểu dân túy?

22/02/2016 08:00 GMT+7

“Chính sách mà không đi kèm với giải pháp và ngân sách tương ứng thì chỉ là thứ chính sách nói cho sướng miệng mà thôi”, Tiến sĩ Ngôn ngữ Huỳnh Văn Thông nói với Thanh Niên về cuộc chạy đua bầu cử ở Mỹ.

“Chính sách mà không đi kèm với giải pháp và ngân sách tương ứng thì chỉ là thứ chính sách nói cho sướng miệng mà thôi”, Tiến sĩ Ngôn ngữ Huỳnh Văn Thông nói với Thanh Niên về cuộc chạy đua bầu cử ở Mỹ.

Ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ Bernie Sanders được xem như một đại diện của chủ nghĩa dân túy - Ảnh: AFPỨng viên tranh cử tổng thống Mỹ Bernie Sanders được xem như một đại diện của chủ nghĩa dân túy - Ảnh: AFP

“Ai có thể cản Trump lúc này?”, The Telegraph giật tít ngày 21.2. Trong khi đó, NBC News cũng đưa: “Nếu Donald Trump không thể cản Donald Trump, thì ai?”. Với 32,5% tỉ lệ ủng hộ từ 99% số phiếu đã kiểm, ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ Donald Trump đã dẫn đầu một cách thuyết phục tại cuộc bầu cử của đảng Cộng hòa ở bang South Carolina hôm 20.2.

Những Robin Hood thời hiện đại

Để giải thích về việc ông Trump giành được sự ủng hộ, Ron Bonjean, một chiến lược gia bên đảng Cộng hòa gắn liền với chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay từng nói hồi tháng 12.2015 rằng: “Trump khai thác sự giận dữ của cử tri, vốn đang mệt mỏi vì các chính trị gia”.

Hình ảnh thường thấy của ông Donald Trump tại các buổi tranh luận, phát biểu trước đám đông - Ảnh: Reuters

Thật vậy, ông Trump luôn phát ngôn nghe rất “sướng tai” và tính toán kỹ về thời điểm. Ví như sau vụ tấn công khủng bố Paris năm ngoái, ông tuyên bố sẽ cấm cửa người đạo Hồi nếu đắc cử. Sau vụ vượt ngục của trùm ma túy Joaquin “El Chapo” Guzman (người Mexico), ông chỉ trích dân Mexico là đại diện cho ma túy, tội phạm. Đúng lúc Apple tuyên bố bất hợp tác với cơ quan an ninh Mỹ về chuyện bẻ khóa chiếc điện thoại iPhone của kẻ giết 14 người ở San Bernardino, ông đăng đàn chỉ trích Apple...

Về an ninh - quốc phòng, ông Trump tuyên bố đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Về kinh tế, ông từng nói mức lương của các tổng giám đốc (CEO) tại Mỹ là một “trò hề”, đại ý khơi gợi sự bất bình đẳng về thu nhập trong lòng nước Mỹ. Nói cách khác, ông “nói ra những điều không ai dám nói”, và “khổ cùng cái khổ của thiên hạ”.

Bên phía đảng Dân chủ, ông Bernie Sanders bất chấp vừa bị đối thủ Hillary Clinton vượt qua trong cuộc bầu cử theo hình thức họp kín ở Nevada hôm 20.2, vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực từ số lượng cử tri ủng hộ.

Cũng như Donald Trump, ông Bernie Sanders được mô tả là người mạnh miệng, luôn chỉ trích các chính sách của Tổng thống Barack Obama. Báo The New Yorker trong bài viết ngày 3.2 mang tựa đề Bernie Sanders và chủ nghĩa dân tuý kiểu mới cho rằng Thượng nghị sĩ bang Vermont đã tranh thủ sự ủng hộ bằng cách đứng về phía người dân, kêu gọi “cải cách chính trị”, tấn công vào “hàng tỉ phú” và những ý tưởng khác chưa bao giờ được nghe từ một ứng viên của đảng Dân chủ.

Chỉ là những “nhà dân túy”?

Cũng như Tổng thống Barack Obama gần đây có nói về Trump rằng “làm Tổng thống không dễ như đi diễn hài”, chẳng ai muốn tin rằng một người chưa từng làm chính trị như Donald Trump lại thắng 2/3 cuộc bầu cử của đảng Cộng hòa tại các bang Iowa, New Hampshire và South Carolina.

Trao đổi với Thanh Niên, Tiến sĩ Ngôn ngữ Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM nhận xét: “Cả Trump và Sanders đều phát ngôn mạnh miệng theo kiểu nhân danh số đông người dân để chạm vào những vấn đề được xem là nhạy cảm về mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm xã hội trong lòng nước Mỹ, hay chạm đến những tổn thương xã hội vốn không thể tránh khỏi trong lòng một xã hội Mỹ (kiểu như tổn thương của những người giới trung lưu bất mãn, cảm thấy mình bị gạt ra bên rìa của sự phát triển). Chính điều đó tạo nên sự thu hút dân chúng, nhất là trong giai đoạn đầu của một chiến dịch bầu cử tổng thống”.

Rất nhiều người ủng hộ ông Donald Trump với lý do họ thích nghe những gì ông nói, vì nó thẳng thắn và khác với những chính trị gia còn lại - Ảnh: Reuters

Cụm từ “chủ nghĩa dân túy” và “mị dân” đã được truyền thông gắn với Donald Trump từ khi ông này bắt đầu các phát ngôn gây sốc trong cuộc tranh cử đến nay, trong đó điển hình là bài Donald Trump là một kẻ mị dân tay nghề cao trên The Washington Post ngày 26.1 qua, nói về việc tỉ phú bất động sản này thuyết phục được các cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ ông về ý tưởng người nhập cư làm suy yếu nước Mỹ.

“Sẽ không oan uổng gì nếu nói luận điệu của ông Trump và ông Sanders là theo kiểu của chủ nghĩa dân túy (populism). Không khó khăn gì để nhân danh số đông người dân lên án những nguyên tắc thương lượng và thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích trong xã hội. Chẳng hạn ông Trump lên án những lổ hổng về thuế khóa, hay cả hai ông đều chống lại tinh thần của các hiệp định thương mại tự do”, Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông nói thêm.

Đại diện cho cách làm theo hướng thỏa hiệp lợi ích, bà Hillary Clinton sau khi giành chiến thắng tại bang Nevada: “Người Mỹ đã đúng khi nổi giận, nhưng chúng ta cũng khao khát những giải pháp thực tế”.

Trong cách nhìn của xã hội hiện đại, “dân túy” thường đi cùng với mị dân, lừa dối người dân. Vì bản chất của các vấn đề và mâu thuẫn xã hội không thể được giải quyết đơn giản bằng cách nêu nó ra cho sướng miệng mà không có một chính sách và giải pháp có thể thực thi hiệu quả.
Tiến sĩ Ngôn ngữ Huỳnh Văn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.