Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 4 bác sĩ pháp y

02/08/2017 08:01 GMT+7

Ngày 1.8, tại TP.Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tổ chức hội nghị về đào tạo nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL.

Theo thông tin tại hội nghị, ĐBSCL hiện có 92 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện, 14 BVĐK khu vực, 17 BVĐK tỉnh, 37 BV chuyên khoa, trong đó có 21 BV phục vụ cho 5 chuyên ngành (lao và bệnh phổi, tâm thần...); các tỉnh đều có trung tâm giám định pháp y tâm thần.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương hoàn toàn không có bác sĩ (BS) ở một số chuyên khoa. Cụ thể: 8/13 tỉnh thành không có BS chuyên khoa bệnh phong; 5/13 tỉnh, thành không có BS giải phẫu bệnh để phục vụ cho khoa ung bướu của BV tỉnh, các địa phương còn lại cũng chỉ có 1 - 2 người. Toàn vùng, mỗi tỉnh, thành đều có trung tâm pháp y nhưng chỉ có tổng cộng 4 BS pháp y (Bến Tre có 1 BS, Cà Mau 2 BS, Tiền Giang 1 BS). Tỉnh Kiên Giang chỉ có 1 BS chuyên khoa tâm thần, còn lại các chuyên khoa phong, giải phẫu bệnh, pháp y đều không có BS. Tương tự, tại An Giang, Bến Tre, Hậu Giang cũng không có BS chuyên khoa phong, tâm thần, giải phẫu…
Một vấn đề nan giải khác là tình trạng BS xin nghỉ việc. Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, thời gian vừa qua đã có 10 BS ở các BV của tỉnh nộp đơn xin nghỉ việc, chuyển đi nơi khác. Tại Long An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho hay những BS giỏi nhất đang bị “hút dần” về TP.HCM. Tương tự ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp… tình trạng “chảy máu chất xám” cũng gia tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ đãi ngộ ở BV công quá thấp so với BV tư; mức độ đãi ngộ chênh lệnh giữa các tỉnh thành... khiến bài toán về nhân lực y tế ở ĐBSCL nan giải hơn.
Hiện ở ĐBSCL có 6,8 BS/10.000 dân và 1 dược sĩ/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 8,6 BS/10.000 dân, 1,9 dược sĩ/10.000 dân. Từ thực trạng trên, kể từ năm 2015 - 2016, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã làm việc với Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế để được giao 150 chỉ tiêu phân bổ đều theo nhu cầu cho các tỉnh. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho các tỉnh trong 4 - 5 năm sau để đảm bảo hoạt động cho các lĩnh vực chuyên khoa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.