'Dòng chảy' ngược lên vùng cao

Mạnh Cường
Mạnh Cường
11/09/2024 06:00 GMT+7

Nhiều bạn trẻ ở tỉnh Quảng Nam đã ngược lên các vùng cao của tỉnh này để hiện thực hóa những ước mơ của người dân bằng các việc làm thiết thực như: xây cầu treo, dẫn nước về bản, cõng điện lên non...

KHÔNG CÒN LO CẢNH CÔ LẬP

Huyện đoàn Thăng Bình vừa phối hợp với Huyện đoàn Tây Giang và Đoàn thiện nguyện Phan Đức chính thức tổ chức lễ khánh thành cầu treo dân sinh số 2 tại thôn Pứt (xã Ga Ry, H.Tây Giang, Quảng Nam). Việc cầu được đưa vào hoạt động có một ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào người dân vùng cao khi xóa đi nỗi sợ cô lập mùa mưa lũ. Tại buổi khánh thành, các bạn trẻ cũng trao 20 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi; trao tặng 50 cờ Tổ quốc cho Đoàn xã Ga Ry, tặng 50 áo đồng phục, 50 ba lô cho học sinh thôn Pứt. Ngoài ra, các bạn còn tự tay vào bếp nấu 200 suất cà ri bánh mì chia sẻ cùng bà con, em nhỏ nơi vùng cao này.

Để đến được điểm xây cầu, các bạn trẻ phải đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ với hành trình băng rừng, lội suối để hoàn thành tất cả các khâu từ cõng đồ đạc, vật liệu… cho đến việc triển khai làm cầu.

'Dòng chảy' ngược lên vùng cao- Ảnh 1.

Người dân chung sức cõng vật liệu xây dựng cầu treo dân sinh ở thôn Pứt

ẢNH: NAM THỊNH

Ngày khánh thành, già Coor Nhân, trưởng thôn Pứt, cầm lá cờ Tổ quốc chạy đi chạy lại nhiều vòng trên cầu treo dân sinh. Bởi, già không nghĩ sẽ có ngày bản thân mình lại có thể tự tin vượt qua con suối lớn nhưng chân cần không chạm nước. Hạnh phúc hơn là ngày này trở đi, cho dù mưa bão có lớn người dân thôn Pứt không còn lo cảnh bị cô lập nữa. "Xây cầu để phá thế cô lập là ước mơ mà bao thế hệ người dân làng già vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, bây giờ không cần chờ đợi thêm, ước mơ ấy đã được các bạn trẻ thực hiện thay. Từ nay, không phải lo cảnh cô lập khi mỗi khi mưa bão về nữa", già Nhân cười với niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt.

Theo già Nhân, thôn Pứt có khoảng 150 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc thiểu số), nơi đây "sở hữu" rất nhiều cái không như: không đường giao thông, không trạm y tế, không nước sạch… Bà con chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, lại ít tiếp cận thông tin bên ngoài do giao thông đi lại cách trở. "Ngoài sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, thì sự thay đổi tích cực của thôn Pứt những năm qua có sự đóng góp rất quan trọng từ các bạn trẻ với những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Già cùng người dân nơi đây biết ơn các bạn ấy rất nhiều", già Nhân chia sẻ.

Anh Phan Văn Đức (Bí thư Chi đoàn thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, kiêm Chủ nhiệm Đoàn thiện nguyện Phan Đức) cho hay công trình "cầu treo dân sinh" dài gần 50 m, tổng giá trị 150 triệu đồng từ hỗ trợ của nhà hảo tâm và sự đóng góp công sức của đoàn viên thanh niên. Công trình khánh thành đúng vào dịp lễ Quốc khánh 2.9, sau 1 tháng thi công lại càng trở nên ý nghĩa. "Nhớ lại những ngày đầu thi công những thanh sắt, bao cát, xi măng… được các bạn trẻ không ngại vất vả "cõng" lên khiến tôi vừa thương, vừa biết ơn vô cùng. Đặc biệt hơn, ngày khánh thành cầu nhìn sự vui mừng hò reo của người dân, chúng tôi dường như được tiếp thêm động lực để tiếp tục triển khai nhiều dự án dân sinh ý nghĩa này", anh Đức nói.

Cứ mỗi độ hè về cũng là lúc màu áo xanh tình nguyện lại ngược núi để "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con vùng sâu, vùng xa. Năm 2024, Huyện đoàn Thăng Bình đã phối hợp với Đoàn thiện nguyện Phan Đức thực hiện rất nhiều chương trình, dự án ý nghĩa, thiết thực mang tính lâu dài như dự án "Cõng điện lên non", "Dẫn nước về bản", "Cầu treo dân sinh", "Cùng em đến trường"... Tôi quan niệm rằng "cho cần câu, không cho con cá". Chúng ta không thể lúc nào cũng hỗ trợ gạo, mắm, muối, con vật nuôi… Thay vào đó, cần phải định hướng để người được hỗ trợ nỗ lực, vươn lên thông qua hoạt động thiện nguyện", anh Phan Văn Đức tâm sự.

'Dòng chảy' ngược lên vùng cao- Ảnh 2.

Tuổi trẻ công an tỉnh tham gia vận chuyển vật liệu làm cầu treo

ẢNH: NAM THỊNH

Chủ nhiệm Đoàn thiện nguyện Phan Đức chia sẻ: "Những dự án chúng tôi thực hiện thời gian qua luôn phát huy được tính cộng đồng, tinh thần tuổi trẻ, sự chung tay giúp sức, phối hợp của các tổ chức, người dân. Mong rằng những dự án này sẽ giúp bà con được phần nào, quan trọng hơn là lan tỏa được màu áo xanh tình nguyện đến với tuổi trẻ trên khắp cả nước".

GỬI YÊU THƯƠNG VỀ PHÍA NÚI

Bà Bling Thị Hon, Phó chủ tịch UBND xã Ga Ry, đánh giá không chỉ đợi đến mùa khởi động Tháng Thanh niên hằng năm thì các bạn trẻ mới bắt tay vào thực hiện những phần việc, công trình ý nghĩa. Thực ra, từ nhiều năm qua, ở đâu có màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ, thì ở đó có những hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội với phương châm "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". Cũng vì thế mà những công trình, phần việc "thấm màu áo xanh tình nguyện" ở vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn mang nhiều ý nghĩa sâu đậm trong cộng đồng cư dân.

'Dòng chảy' ngược lên vùng cao- Ảnh 3.

Để đến với điểm làm cầu tại thôn Pứt, các bạn trẻ phải di chuyển quãng đường rừng mất hơn 1 giờ đồng hồ

ẢNH: NAM THỊNH

"Tôi đánh giá công trình cầu treo dân sinh vừa được khánh thành tại thôn Pứt thực sự rất ý nghĩa với người dân nơi đây. Dự án không chỉ xóa bỏ thế cô lập vào mùa mưa lũ mà còn rút ngắn khoảng cách về địa lý. Bằng các hoạt động tình nguyện hữu ích, các bạn trẻ đã góp sức giúp người dân tạo nguồn sinh kế, ổn định cuộc sống", bà Hon nói.

Anh Đoàn Thiện Ngọc Vũ, Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình, khẳng định: "Những dự án thực hiện thời gian quan luôn được chính quyền, người dân đánh giá cao. Điều này cũng cho thấy vai trò xung kích của thanh niên với cộng đồng".

Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình cho hay có một "dòng chảy" nghĩa tình từ nhiều năm nay đang lặng thầm ngược lên vùng biên. Đây được xem như hành trình chắp nối yêu thương mà người trẻ mang đến với cộng đồng. "Hành trình "gửi yêu thương về phía núi" luôn mang những câu chuyện ý nghĩa về tình người. Đó là sự sẻ chia, với những món quà gom góp từ tình yêu thương được trao gửi, giúp đồng bào khó khăn ở các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam có thêm điều kiện, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống", anh Vũ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.