Đến độ rằm tháng giêng (âm lịch), bà con tại xã biển Cảnh Dương (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) lại nô nức cùng nhau tổ chức lễ hội cầu ngư, một trong những lễ hội lâu đời và lớn nhất của người dân làng chài.
Lễ hội bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng ngày 5.2, với phần lễ quan trọng nhất là đọc văn tế Thần Ngư, do một vị cao niên có uy tín trong làng lên dâng hương và đọc văn tế. Theo quan niệm của người dân xã Cảnh Dương, bài văn tế có nội dung thể hiện sự kính trọng, biết ơn của cá Ông, cá Bà đã bảo vệ, che chở cho người dân trong những lần gặp nạn trên biển.
Ngoài ra, lễ cầu ngư còn dâng lên lời khấn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, ngư dân luôn được tôm cá đầy khoang, đời sống bà con ấm no, hạnh phúc. Trước đây, lễ cầu ngư thường được tổ chức vào ngày rằm tháng 11, đến năm 2006 lại được đổi qua rằm tháng giêng để cho bà con ngư dân có dịp ra khơi, đánh bắt hải sản trong những ngày đầu năm mới.
Phần kết của buổi lễ là màn múa hát dân ca đặc sắc của xã Cảnh Dương và múa bông chèo cạn. Đây cũng là dịp để người dân trong làng chài có cơ hội kết nối với nhau, thể hiện được tình đoàn kết, yêu quê hương đất nước và nâng cao tinh thần bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, xã Cảnh Dương đã có truyền thống khai thác, đánh bắt hải sản lâu đời, có đội tàu cá với số lượng lớn và là địa phương có tổng số tàu thuyền tham gia đánh bắt xa bờ nhiều nhất của huyện.
"Với truyền thống cần cù, năng động, sáng tạo, những năm qua, kinh tế biển đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của địa phương. Đặc biệt, đồng bào ngư dân xã nhà đã không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm để vươn khơi bám biển, làm tốt công tác bảo vệ ngư trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Với người dân Quảng Bình, lễ hội cầu ngư tại xã Cảnh Dương đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng và là sự kiện truyền thống diễn ra hàng năm được nhiều chào đón. Trải qua nhiều năm, lễ hội cầu ngư đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Quảng Bình và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018.
Bình luận (0)