Kỳ thú 'Bát danh hương' Quảng Bình: Làng xỏ lá, làng bắt cá... trên cây

26/12/2022 07:28 GMT+7

Cũng vì ngón nghề truyền thống của địa phương và một món ăn đặc sản do người làng sáng tạo, nên làng Thổ Ngọa (nay thuộc P.Quảng Thuận, TX.Ba Đồn, Quảng Bình ) được dân gian đặt cho cái biệt danh nghe có vẻ hóm hỉnh như trên...

Truyền kỳ… Thổ Ngọa

Thổ Ngọa, cái tên làng nghe trúc trắc, gợi nhiều tò mò, khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao lại có cái tên độc lạ này. Bản thân người viết cũng có thắc mắc như thế và may mắn đã tìm ra câu trả lời khi được gặp ông Nguyễn Ngọc Diễn (68 tuổi, trước đây từng là Chủ tịch rồi Bí thư P.Quảng Thuận, nay là Trưởng ban đại diện làng Thổ Ngọa).

Đình Thổ Ngọa

BÁ CƯỜNG

Với vẻ ngoài vô cùng mẫn tiệp, ông Diễn nhíu mày lục lại trí nhớ rồi đọc vanh vách những thông tin mà ông đã nhiều lần lượm lặt trong gia phả, sách sử cũ, rằng làng Thổ Ngọa ra đời từ năm 1470 do ông Nguyễn Khống, một võ tướng triều đình thời nhà Trần khai khẩn. Về cái tên Thổ Ngọa, ông Diễn cho biết vì quê ông Nguyễn Khống là Thổ Vượng, trong khi quê vợ ông - bà Hoàng Thị Trường - có tên là Ngọa Kiều (cùng thuộc H.Can Lộc, Hà Tĩnh), nên ông Nguyễn Khống ghép 2 chữ đầu của quê mình và quê vợ làm tên làng mới. “Thổ Ngọa dịch nôm tiếng Tàu là đất nằm. Có người dịch trại thành đất lành. Vậy là tốt!”, ông Diễn phân tích.

Với bề dày truyền thống 552 năm, làng Thổ Ngọa có một quần thể kiến trúc độc đáo: Đình làng, đình chợ, đền Văn Thánh, đền Võ Thánh, đền Quan Tả, chùa Cảnh Tiên, miếu Năm Nghè, Ba Nghè, Nghè Hoa, miếu Tam Hòa… Nhưng với Thổ Ngọa, theo ông Diễn, cần phải nhắc đến văn hóa phi vật thể, trong đó đặc biệt nhất là ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch).

Từ xưa, dịp Giỗ tổ Hùng Vương tại làng Thổ Ngọa thường tổ chức tại chợ Họa, dân trong làng và những người buôn bán ở chợ cùng đóng góp mua lễ vật cúng tế các vị vua Hùng, thần hoàng làng cùng các liệt sĩ anh hùng để cầu mong hạnh phúc, sức khỏe cho dân làng. Lễ hội thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân làng, tạo khối đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp.

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại làng Thổ Ngọa có nhiều hoạt động như thả đèn hoa đăng, phát lộc, giao lưu văn nghệ, thơ ca, bóng chuyền và các trò chơi dân gian. Với sự chung tay, góp sức của 10 dòng họ trong làng và 11 tổ dân phố. “Với người Thổ Ngọa, ngoài dịp Tết Nguyên đán, lễ Giỗ tổ Hùng Vương là lễ trọng, ai ở đâu cũng nhớ về quê cha đất tổ”, ông Diễn cho hay.

Món cá chuối, đặc sản làng Thổ Ngọa

“Xỏ lá” kiếm cơm

Thổ Ngọa bị gán ghép là “làng… xỏ lá” vì đây là ngôi làng nức tiếng hàng trăm năm qua với nghề làm nón. Công việc này phần nhiều dành cho phụ nữ, trẻ em buổi nông nhàn. Người Thổ Ngọa… xỏ lá bất kỳ thời gian nào rảnh, sáng sớm, nửa đêm. Dù phải ngồi một chỗ, gần như bất động, chỉ để đôi tay thoăn thoắt thao tác, nên rất mỏi lưng, nhưng chính món nghề này đã mang về bát cơm đầy cho dân làng.

Ông Diễn thông tin với người viết rằng, Thổ Ngọa bây giờ có khoảng 1.200 hộ dân mà 90% trong số đó có liên quan đến nghề làm nón. “Nếu không trực tiếp chằm nón thì cũng đưa nguyên liệu lá nón về làng hoặc đi buôn nón”, ông Diễn cho hay.

“Bắt cá trên cây” là gì

Có câu ghẹo gán với làng Thổ Ngọa nêu trên là bởi một món ăn đặc trưng, do người dân làng này sáng tạo ra, đó là món: cá chuối. Theo đó, người Thổ Ngọa hái những quả chuối hột còn non trên cây, gọt vỏ, làm sạch, luộc sơ sau đó nêm gia vị (tỏi, mắm muối, gừng, đường) rồi bỏ vào trong 1 cái hũ, buộc chặt lại, khoảng 2 ngày sau thì mang ra ăn.

“Vì hình dạng của chuối khi sắp ra dĩa khá giống con cá nên người ta gọi là cá chuối. Ngày nay, nhiều nơi học theo cũng làm được cá chuối, nhưng cái vị chua chua, ngòn ngọt, cay cay của món cá chuối do chính tay người làng Thổ Ngọa làm vẫn ở một… đẳng cấp khác”, ông Diễn tự hào nói.

Cũng theo ông Diễn, tính sơ mỗi năm làng Thổ Ngọa sản xuất cả triệu cái nón, nếu tính mỗi cái có giá 80.000 đồng, thì số tiền mang về cho dân làng là mấy chục tỉ bạc. “Nghề này không giàu nhưng không đói. Nón Thổ Ngọa làm ra cái nào người ta mua bao tiêu hết cái đó. Không có hàng tồn, hàng dư”, ông Diễn kể.

Ngày nay, đi giữa làng Thổ Ngọa, hình ảnh các chị em phụ nữ tụm năm tụm ba vừa đan nón vừa chuyện trò rôm rả vẫn rất phổ biến. Chị Bùi Thị Ninh (35 tuổi) cho hay chị biết làm nón từ 6 tuổi và gần 30 năm qua chị chưa từng ngơi nghỉ. Chị Ninh đưa ngón tay ra cho tôi xem chi chít những vết sẹo nhỏ to do kim đâm trong quá trình chằm nón. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân (70 tuổi) cũng nói chen vào rằng nghề nón vốn chỉ lấy công làm lãi, làm ra nón nào thì “ăn” nón đó chứ không dư. “Ấy thế nhưng người Thổ Ngọa chúng tôi nếu không làm nón thì biết làm gì? Hơn thế, nhiều người cũng quen với việc đội đầu cái nón xinh xắn của làng Thổ Ngọa rồi, chúng tôi không làm lấy gì họ dùng? Vậy nên, còn người mê là chị em chúng tôi còn… xỏ lá”, bà Xuân hóm hỉnh nói.

(còn tiếp)

Kỳ thú 'Bát danh hương' Quảng Bình

Lệ Sơn - Đệ nhất 'Bát danh hương'

Nức tiếng làng biển bích họa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.