'Khi nào hết cát Mỹ Hòa, sông Gianh hết nước, La Hà hết quan'

24/12/2022 07:40 GMT+7

Đó là câu ca đầy ngạo nghễ mà người xưa nói về làng La Hà (xã Quảng Văn, H.Quảng Trạch, Quảng Bình ).

Còn ngày nay, câu ca được đọc trại là “Khi nào hết cát Mỹ Hòa, sông Gianh hết nước, La Hà hết… mây”, bởi La Hà của hiện tại nổi tiếng với nghề mây tre xuất khẩu, đem cả ngoại tệ về cho quê hương.

Nhìn làng từ… đình

Làng La Hà tọa lạc ở một vị trí hết sức đặc biệt. Nơi đây, 2 ngả của sông Gianh là nguồn Son và nguồn Nậy gặp nhau ở cửa Hác tạo nên bãi nổi lớn. Trong hệ thống các cồn bãi giữa dòng sông Gianh thì bãi La Hà là bãi lớn nhất, có hình con cá chép bơi ngược dòng sông Gianh với 4 nhánh sông phụ đang đổ vào La Hà, nên người ta thường gọi La Hà là “Tứ bút châu nghiên”.

Đình làng La Hà nằm hướng ra bờ sông đầy uy nghi

NGUYỄN PHÚC

Có địa thế phong thủy như vậy nên La Hà nổi tiếng về truyền thống khoa cử, có nhiều người đỗ đạt làm quan to trong các triều đại phong kiến của tỉnh Quảng Bình. Chỉ trong gần một thế kỷ dưới triều nhà Nguyễn, làng La Hà đã có tới 5 vị tiến sĩ, 1 vị phó bảng và 32 vị cử nhân.

Qua bao biến thiên của thời gian, nhiều giá trị xưa cũ ở La Hà ít nhiều phai nhạt, duy chỉ có đình làng La Hà, dù bị hư hỏng, đánh sập và phải tôn tạo sửa chữa nhiều lần, vẫn giữ được khí chất của mình. Bởi đó là ngôi đình vững chãi, uy nghi, mặt hướng ra bờ sông lồng lộng gió, trong sân đình có để nhiều tượng voi, hạc, kỳ lân… ngồi chầu. Trong đền, rất nhiều đồ gỗ được sơn son, thếp vàng. “Các cụ ngày xưa bảo đình hướng “long hồi hổ phục” vì trước cửa đình có dòng nước chảy ngược, còn phía xa có núi Vắp giống như con hổ đang phục, ngoảnh mặt về làng”, ông Phạm Mùi (68 tuổi, Trưởng ban Bảo vệ di tích lịch sử làng La Hà) giải thích.

Trong khi đó, theo những thông tin khắc trên văn bia trong ngôi đình đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2003 thì đình La Hà được xây dựng trên diện tích hơn 2.000 m2, ban đầu bằng tranh tre vào năm 1859. Năm 1901, ông Trần Văn Thống (người làng) bỏ tiền và đứng ra kêu gọi con cháu đóng góp xây dựng lại. Lúc này đình có 4 gian, 2 hồi, kết cấu bằng gỗ lim, cách bài trí chạm trổ, quy mô thuộc hàng đồ sộ đẹp nhất vùng Quảng Trạch. Năm 1965, do chiến tranh đình bị bom Mỹ phá hoại và thời gian bị mối mọt, đình được phá dỡ chỉ còn lại hậu đình. Trong các năm 2007, 2013, 2016, bà con quê hương đã đóng góp xây dựng lại đình được như ngày nay.

Theo ông Mùi, vào rằm tháng giêng hằng năm, những người con xã Quảng Văn dù ở đâu cũng tìm về quê hương để tham gia lễ hội đình làng La Hà với nhiều hoạt động sôi nổi. “Đình La Hà là hồn cốt của chúng tôi. Cả ngày xưa, bây giờ hay mai sau cũng vậy”, ông Mùi kết luận.

Mây tre La Hà… xuất ngoại

Ngày nay, La Hà không còn nhiều quan như xưa, nhưng lại nhiều… mây (loại cây giống tre nhưng đặc ruột, nguyên liệu làm hàng thủ công mỹ nghệ). Điều lạ kỳ là dù là một ngôi làng nằm lọt thỏm giữa đồng bằng, La Hà lại nổi danh với nghề mây tre đan.

Ông Mùi cho biết nghề mây tre đan có mặt ở La Hà chỉ chừng hơn 60 năm trước nhưng hiện nay có khoảng 700/1.000 hộ ở làng làm nghề. “Cả làng có 1 hợp tác xã mây tre đan và 2 hộ cá thể làm lớn, còn lại đa phần người dân nhận hàng về làm gia công và nhập lại cho 3 địa chỉ này. Bà con tranh thủ những buổi nông nhàn để vót, đan mây tre nhưng nếu chăm chỉ vẫn kiếm được 100.000 đến 150.000 đồng/ngày. Cứ trên 10 tuổi đều làm được”, ông Mùi nói.

Những tấm mây tre đan của làng La Hà từng chu du qua trời Tây

BÁ CƯỜNG

Ông Trần Văn Hiếu (58 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã mây tre xã Quảng Văn) cho biết, sau 1 thời gian làm nghề tự phát, mãi đến năm 2011 mới thành lập hợp tác xã, là nơi “kiếm cơm” của ngót nghét 200 hộ dân. Theo ông Hiếu, nguyên liệu mây được lấy từ nhiều nơi, rồi người La Hà sẽ mang mây thô về chẻ ra thành từng sợi nhỏ, chuốt lại, sau đó đan thành từng tấm, trước khi bán ra thị trường. “Chúng tôi bán mây đan đi khắp bắc nam. Hàng chúng tôi được các doanh nghiệp xuất sang nhiều nước châu Âu, châu Mỹ. Thời thịnh vượng nhất, mỗi tháng hợp tác xã của tôi có thể xuất bán cho bạn hàng 5 container (mỗi container chứa được khoảng 11.000 m2 mây đan)”, ông Hiếu nói.

Chi tiết hơn, bà Phạm Thị Hiệp (57 tuổi, vợ ông Hiếu) cho biết những tấm mây đan sẽ được bán theo mét vuông. Tùy khổ lớn nhỏ mà có thể bán giá từ 150.000 - 250.000 đồng/m2. “Hai năm nay giá cả hơi phập phù vì Covid-19 rồi tình hình chiến sự Nga - Ukraine, nhưng nghề mây tre đan ở La Hà vẫn chưa có dấu hiệu thoái trào. Người La Hà chưa dứt tình với nghề phụ này bởi chúng tôi tin rằng cứ đan cho đẹp thì khách hàng sẽ không quay lưng. Rồi mây tre La Hà sẽ tiếp tục chu du trời Âu để mang cơm áo về cho bà con”, bà Hiệp kỳ vọng.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.