Theo Russia Today, trong quyển sách Đồng euro: Làm thế nào loại tiền tệ phổ biến đe dọa tương lai châu Âu (The Euro: How a Common Currency Threatens the Future of Europe) sẽ được xuất bản vào tuần tới, nhà kinh tế Joseph Stiglitz cho hay eurozone sẽ phải bỏ đồng tiền chung để tồn tại.
Ông Stiglitz viết rằng eurozone đã khiếm khuyết từ khi sinh ra và có số phải sụp đổ, trừ khi nhiều thay đổi lớn được thực hiện trên đồng tiền chung.
“Đồng euro thường được mô tả như một cuộc hôn nhân tồi tệ. Một cuộc hôn nhân tồi tệ gồm hai người vốn dĩ không bao giờ nên đứng và cùng nhau thề lời thề bất khả phân ly. Đồng euro thì phức tạp hơn: nó là liên minh gồm 19 nước khác nhau được buộc lại với nhau”, tờ The Guardian trích dẫn quyển sách.
Joseph Stiglitz là giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia, Mỹ, cựu phó chủ tịch cấp cao kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông Stiglitz cho biết đồng euro thất bại trong hai mục tiêu chính: hội nhập thịnh vượng và hội nhập chính trị. Vì lẽ này, các nước châu Âu thất bại hiện nhìn nhau bằng thái độ nghi ngờ và giận dữ.
Theo Stiglitz, đồng tiền duy nhất, được thiết kế để giữ cả khu vực có nền kinh tế “khủng” và sự đa dạng về chính trị hầu như không khả thi. Ông chỉ trích các nhà lãnh đạo eurozone, cho rằng họ không hiểu đúng về ý nghĩa của liên minh tiền tệ. Cấu trúc của eurozone - trong đó có quy tắc, quy định của khu vực này - không được thiết kế để thúc đẩy tăng trưởng, công ăn việc làm và sự ổn định.
Giáo sư Stiglitz viết: “Các dấu hiệu của một nền kinh tế hoạt động tốt là tăng trưởng nhanh chóng, lợi ích của việc tăng trưởng nhanh thì có nhiều, trong đó có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Những gì xảy ra ở châu Âu thì ngược lại… Đơn cử, một nước nhỏ ở châu Âu có thể suy thoái, trong khi phần còn lại của châu Âu làm tốt”.
Theo ông Stiglitz, phần lớn của khối nước sử dụng đồng tiền chung đối mặt với một “thập kỷ mất mát”. Thậm chí cái gọi là thành công của châu Âu thực ra cũng là thất bại khổng lồ. Ông dẫn ví dụ Tây Ban Nha, nơi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 26% năm 2013 xuống 20% đầu năm 2016, hiện cứ mỗi hai người thì có một người thất nghiệp.
Chuyên gia đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 gợi ý cách tốt nhất cho tương lai eurozone là một “đồng euro linh hoạt”, tức mỗi nước có thể áp dụng phiên bản đồng euro của riêng họ. Đồng euro linh hoạt có thể giúp các nước Nam Âu xuất khẩu nhiều hơn, nhập khẩu ít đi, hỗ trợ họ đạt cân bằng thương mại và đủ công ăn việc làm.
tin liên quan
Châu Âu công bố tờ 50 EUR mớiChâu Âu vừa công bố phiên bản giấy bạc 50 euro mới cực kỳ an toàn.
Bình luận (0)