Đóng góp lớn về khí tài quân sự của Phần Lan khi gia nhập NATO

Khánh Như
Khánh Như
06/04/2023 19:30 GMT+7

Sau khi gia nhập NATO, Phần Lan đóng góp cho liên minh quân sự này một lượng lớn nhân lực và khí tài quân sự tiên tiến.

Phần Lan trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 4.4. Bên cạnh việc tăng chiều dài đường biên giới của NATO với Nga lên gấp đôi, quyết định kết nạp Phần Lan đã mang đến cho liên minh quân sự này một lực lượng quân đội và khí tài mạnh mẽ, theo trang Business Insider.

Lực lượng dự bị hùng hậu

Đóng góp lớn về khí tài quân sự của Phần Lan khi gia nhập NATO - Ảnh 1.

Binh sĩ Phần Lan tham gia cuộc tập trận với NATO ở Latvia năm 2015

REUTERS

Phần Lan là một trong số ít quốc gia châu Âu duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong thời bình. Mọi công dân Phần Lan trong độ tuổi từ 18 đến 60 phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, vì hiến pháp của đất nước quy định rằng mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc.

Quốc gia Bắc Âu này hiện huấn luyện khoảng 21.000 lính nghĩa vụ mới mỗi năm. Sau khi hoàn thành huấn luyện, các binh sĩ này sẽ trở thành một phần của lực lượng dự bị thời chiến gồm 280.000 binh sĩ. Trong số này, mỗi năm sẽ có khoảng 10.000 người được chính phủ Phần Lan điều động tham gia các khóa bồi dưỡng.

Phần Lan bổ sung sức mạnh quân sự gì cho NATO?

Xe tăng, pháo binh

Theo Reuters, lực lượng mặt đất của Phần Lan được trang bị khoảng 650 xe tăng, khoảng 200 chiến trong số đó là Leopard loại 2A6 và 2A4 do Đức sản xuất.

Bộ binh Phần Lan có đủ vũ khí, bao gồm súng trường tấn công, súng máy, súng phóng lựu và vũ khí chống tăng cho toàn bộ lực lượng dự bị, cũng như tất cả thiết bị cần thiết để chiến đấu trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt, ban đêm và trong môi trường có khí độc.

Đóng góp lớn về khí tài quân sự của Phần Lan khi gia nhập NATO - Ảnh 2.

Xe tăng Thụy Điển và Phần Lan trong cuộc tập trận quân sự Cold Response 2022 tại Na Uy vào tháng 3.2022

REUTERS

Ngoài ra, Phần Lan cho biết nước này sở hữu các mà họ gọi là "pháo binh mạnh nhất Tây Âu", bao gồm khoảng 1.500 vũ khí bao gồm 700 khẩu pháo và đại bác, 700 súng cối và khoảng 100 bệ phóng tên lửa.

Năm 2012, Phần Lan đã phá hủy khoảng 1,3 triệu quả mìn sát thương sau khi tham gia công ước cấm mìn Ottawa. Nước này sau đó đã chuyển sang sử dụng mìn thông minh được điều khiển từ xa.

Ngoài ra, quân đội Phần Lan cũng được trang bị nhiều loại phương tiện vận chuyển, có bánh xe và dây xích, để chuyển binh lính và thiết bị. Phần Lan đang đàm phán mua thêm xe tăng, nhiều loại tàu cho hải quân và rất nhiều phương tiện vận tải cùng với các thiết bị khác.

Phần Lan gia nhập NATO, Nga cảnh báo đáp trả

Hệ thống phòng không và tàu chiến

Business Insider dẫn đánh giá từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh cho biết Phần Lan đang sở hữu 107 máy bay phản lực có khả năng chiến đấu, trong đó có 62 máy bay chiến đấu McDonnell Douglas F/A-18 Hornet.

Ngoài phi đội máy bay phản lực, Không quân Phần Lan còn có hàng chục máy bay huấn luyện và radar giám sát, trong đó có những chiếc có tầm hoạt động gần 500 km. Quốc gia Bắc Âu cũng có ít nhất 650 tên lửa phòng không và đang trong quá trình mua thêm từ các công ty Thụy Điển.

Không rõ số lượngmáy bay không người lái Orbiter Phần Lan hiện sở hữu, nhưng nước này đang trong quá trình mua thêm 1.000 - 2.000 chiếc, bao gồm hàng trăm máy bay không người lái Parrot Anafi USA được quân đội Mỹ sử dụng. Nước này cũng đang tăng cường dự trữ vũ khí bằng cách mua thêm hệ thống phòng không mới, Reuters đưa tin.

Hệ thống phòng không quan trọng nhất của Phần Lan là NASAMS mang công nghệ Mỹ - Na Uy và tương thích với các vũ khí và hoạt động của NATO. Có thông tin cho rằng Phần Lan sẽ thương lượng với các công ty quốc phòng Israel là Aerospace Industries và Rafael Advanced Systems để mua thêm các hệ thống có công nghệ tiên tiến hơn.

Phần Lan cũng đang sở hữu hệ thống radar ELTA do Israel sản xuất, được trang bị khả năng định vị và theo dõi các tên lửa, đạn pháo và hỏa lực súng cối từ xa lao tới.

Bên cạnh đó, Hải quân Phần Lan đang được trang bị 4 tàu chỉ huy, 5 tàu rải mìn, 8 tàu tên lửa, 3 tàu chống mìn, 13 tàu quét mìn, và 1 tàu đổ bộ cỡ nhỏ. Nước này thông báo đang phát triển 3 tàu hộ tống đa năng mới để chiến đấu trên mặt nước và dự kiến triển khai các tàu này vào năm 2029.

Ngoài ra Phần Lan cũng đóng góp cho NATO thêm 4 tàu tên lửa lớp Hamina. Loại tàu này được làm bằng nhôm và vật liệu composite nên tương đối nhẹ và linh hoạt. Nó cũng được trang bị tên lửa, súng pháo và bom chìm, vốn được cho là có thể chống lại “các mối đe dọa từ trên không, trên mặt nước và dưới nước”. Tuy nhiên, Phần Lan không có hạm đội tàu ngầm, theo trang Naval News.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.