Ngày 19.10, tại Hà Nội, Hội LHTN VN, Đoàn khối các cơ quan T.Ư tổ chức hội nghị lấy ý kiến của đại biểu là những tiến sĩ trẻ góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
TS Vũ Anh Tài đóng góp ý kiến tại hội nghị - Ảnh: P.Hậu |
Quan tâm đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ quốc gia, TS Vũ Hải Đăng (Ủy ban Biên giới quốc gia), ghi nhận Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 cập nhật đầy đủ diễn biến tình hình Biển Đông. Tuy nhiên theo TS Đăng, Dự thảo Văn kiện cần bổ sung, xác định rõ hai loại tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay là: tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và tranh chấp trong đàm phán phân định biển với các quốc gia láng giềng. “Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 nên khẳng định, VN sẵn sàng sử dụng luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đây là giải pháp, công cụ văn minh được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng trong tranh chấp biên giới, lãnh thổ”, TS Đăng nói.
Phản ánh về lãng phí ngân sách trong đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, TS Vũ Anh Tài, công tác tại Viện Địa lý (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN), cho rằng thực tế có nhiều công trình khoa học đầu tư tiền tỉ nhưng bảo vệ xong thì xếp trong ngăn kéo, không thể ứng dụng vào thực tế. Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ, không nên đầu tư vào đề tài, dự án đặt hàng mang tính chất nhiệm vụ chung chung, không có giá trị cao mà nhằm mục đích “giải ngân”. Theo TS Vũ Anh Tài, trong 5 năm tới cần có cơ chế tạo dựng được thị trường về khoa học công nghệ, xây dựng các diễn đàn phản biện, trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học cùng lĩnh vực với cộng đồng doanh nghiệp; thu hút nguồn lực đầu tư để các dự án, công trình khoa học được ứng dụng vào đời sống.
Đầu tư mạnh cho trường học ở vùng sâu
Đóng góp giải pháp đầu tư đổi mới giáo dục cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN Nguyễn Phi Long cho rằng trong 5 năm tới Đảng, Nhà nước cần đặt mục tiêu hoàn thiện, kiên cố hóa trường học ở vùng sâu vùng xa, miền núi. Qua nhiều năm công tác, Đoàn, Hội vẫn luôn tích cực kêu gọi khắp nơi tài trợ đầu tư xây dựng lớp học mới, kiên cố để thay thế cho các phòng học tranh tre, vách nứa ở địa bàn vùng sâu vùng xa. Đổi mới, hiện đại hóa công tác giáo dục nếu không bắt đầu từ nền móng cơ bản, giúp học sinh có nơi chốn học tập an toàn sẽ khó có hiệu quả bền vững.
Theo anh Nguyễn Phi Long, trong các nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước thì thanh niên, đặc biệt là trí thức trẻ luôn được khẳng định là lực lượng có vai trò quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiến sĩ trẻ quan tâm nghiên cứu Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc để kiến nghị chính sách cụ thể giúp thế hệ trẻ VN có điều kiện, môi trường tốt nhất nhằm phát huy năng lực, trí tuệ, đóng góp tích cực cho đất nước.
Giao việc lớn, việc khó cho trí thức trẻ tình nguyện
Đó là thông điệp được đưa ra tại buổi tọa đàm “Trí thức trẻ tham gia góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng” do T.Ư Đoàn và Bộ Nội vụ tổ chức ngày 19.9, tại Thanh Hóa.
Các đại biểu là trí thức trẻ tình nguyện tham gia Dự án 600 phó chủ tịch xã (sau đây gọi tắt là dự án) đem đến buổi tọa đàm nhiều ý kiến tâm huyết. Anh Hà Ngọc Thành, Phó chủ tịch UBND xã Yên Hóa (H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), bày tỏ mong muốn, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ từ các đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia đề án, nhất là đối với những đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác.
“Cần mạnh dạn giao việc lớn, việc khó, giúp các đội viên được trải nghiệm, rèn luyện, thử thách để phấn đấu trưởng thành; tránh tư tưởng thành kiến, hẹp hòi, cục bộ địa phương đối với trí thức trẻ. Thực hiện quy hoạch đội viên dự án hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên vào các chức danh lãnh đạo và chức danh chuyên môn khác cùng cấp hoặc cấp trên, đồng thời bố trí, sử dụng theo các chức danh được quy hoạch, không nhất thiết chờ thời điểm kết thúc dự án”, anh Thành đề xuất.
Các đại biểu cũng đã kiến nghị Đảng, Nhà nước từng bước có chính sách an sinh xã hội sát thực với thực tế cuộc sống hơn. Anh Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thắng (H.Kỳ Sơn, Nghệ An), cho rằng đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất ở khu vực nông thôn sẽ là động lực để đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo. Theo đó, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp sản xuất và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ nhằm thu hút người tài góp sức xây dựng các huyện và xã nghèo.
N.Minh - Đ.Dụng
|
Bình luận (0)