Dù tăng - giảm liên tục, trải qua nhiều cơn khủng hoảng nhưng hết quý 3 năm nay, tổng tài sản của 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán đã lên tới 6 tỉ USD, tăng tới 40% so với cùng kỳ năm trước.
VN cũng đã có 2 tỉ phú đô la trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, tạp chí nổi tiếng thế giới về điều tra và xếp hạng người giàu. Báo cáo tài sản toàn cầu thường niên Wealth Report 2017 của Knight Frank dự báo, VN là quốc gia có tốc độ người siêu giàu tăng cao nhất thế giới.
Tỷ lệ người siêu giàu của VN sẽ tăng đến 170% trong 10 năm tới. Chương trình quốc gia khởi nghiệp đã thúc đẩy nhiều người thay vì bỏ tiền trong tủ, "gói" những dự định trong đầu... mạnh dạn bỏ vốn làm ăn. Hàng triệu hộ gia đình cũng đang được vận động, hướng dẫn, hỗ trợ để lớn lên thành doanh nghiệp (DN).
Số DN, người giàu gia tăng được coi là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, tạo động lực cho tăng trưởng. Không chỉ thế, trách nhiệm xã hội của các DN, giới doanh nhân ngày càng được nâng cao, lan tỏa, đóng góp rất lớn cho cộng đồng, cho đất nước.
Tất nhiên, đằng sau các con số lạc quan nói trên, vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế liên quan đến cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhưng có thể nói, chưa bao giờ DN - doanh nhân được quan tâm như hiện nay. Cụ thể, Hội nghị T.Ư 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Có thể nói, đây là một bước tiến mới nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế; đồng thời thể hiện đường lối quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về kinh tế tư nhân.
Mới đây, Chính phủ cũng đã chính thức thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân với nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ cũng đang quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh tạo môi trường thông thoáng cho DN mà Bộ Công thương đã nổ phát súng lịch sử khi cắt giảm một lúc 675 điều kiện kinh doanh. Hôm qua Bộ Tài chính cũng công bố đơn giản hóa 71 thủ tục, nhiều bộ ngành cũng cam kết sẽ giảm thiểu tối đa các giấy phép con nhũng nhiễu, hành DN.
Với sự đồng hành này, môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được cải thiện mạnh mẽ. Mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 để tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là hoàn toàn có thể đạt được.
Bình luận (0)