Đồng loạt kiểm tra các cơ sở rượu ở Hà Nội

03/03/2017 10:49 GMT+7

Số ca ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp tăng cao trong những ngày qua tại Hà Nội, đã cảnh báo tình hình ngộ độc rượu không chỉ có ở miền núi, vùng cao mà đang xuống đến thành phố.

Chiều 2.3, Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội đã tổ chức họp khẩn bàn và triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu. Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, Sở nhận được thông tin về việc từ ngày 22 - 27.2, Trung tâm chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai tiếp nhận và cấp cứu các bệnh nhân nam đang sống tại Hà Nội bị ngộ độc rượu.
Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường mới chủ yếu kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu lớn, chứ đối với các hộ nhỏ lẻ, các cơ sở sản xuất rượu tự nấu trong dân thì chưa

Ông Chu Xuân Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội


Các bệnh nhân cư trú tại các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Ba Đình, Thanh Xuân và H.Phúc Thọ; đều nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, nôn, đau đầu, nhìn mờ, hôn mê. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu cao (từ 40,9 - 318 mg/dl) và được chẩn đoán ngộ độc methanol.
Ngộ độc rượu tăng cao
Theo ThS-BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, hiện trung tâm đang điều trị cho 7 bệnh nhân bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). 5/7 bệnh nhân này đều uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc trên địa bàn Hà Nội. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp... Trong đó 3 ca đang trong tình trạng hôn mê. Trường hợp điển hình là bệnh nhân L.V.T (48 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) nhập viện ngày 27.2.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam (38 tuổi) cũng vào viện ngày 27.2 trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn đã được cấp cứu ở tuyến dưới. Hiện tại bệnh nhân đang trong tình trạng rất nguy kịch... Người nhà của bệnh nhân này cho hay, trong các ngày 20, 21, 22.2 bệnh nhân có uống rượu ở quán cơm bình dân gần nơi trọ ở Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội. Sau ngày đầu tiên, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó chịu nhưng những hôm sau vẫn tiếp tục uống. Đến trưa 25.2, bệnh nhân bị hôn mê sâu và ngừng tuần hoàn, được đưa vào BV Hà Đông cấp cứu, sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai.

tin liên quan

Hôm trước nhậu, hôm sau cấp cứu viêm tụy cấp
Tại khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM), các ca bệnh liên quan đến rượu bia chiếm khoảng 50%, chủ yếu là viêm tụy cấp, tiếp theo là viêm gan và viêm dạ dày.

Truy tìm nguồn gốc
Ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết sở này đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở những xã, phường có bệnh nhân ngộ độc rượu; tập trung truy xuất nguồn gốc rượu; lấy mẫu xét nghiệm phân tích, đánh giá kịp thời, cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng; đồng thời đề nghị Sở Công thương và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, kiểm tra, áp dụng các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu.

ThS-BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo: Có một số ít người ngộ độc cồn y tế vì lầm tưởng loại cồn này có thể uống được. Đã có trường hợp ngộ độc cồn y tế rất nặng, thậm chí tử vong. “Cồn y tế cũng là methanol, chỉ dùng để sát trùng chứ không thể uống”, bác sĩ nhấn mạnh và cảnh báo: “Methanol vào trong cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất độc và biểu hiện muộn, sau 1 - 2 ngày các triệu chứng mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ tích lũy trong cơ thể gây các tổn thương cho người bệnh. Do đó, đa số các bệnh nhân ngộ độc rượu cồn công nghiệp nhập viện muộn, mờ mắt (thậm chí bị mù), hôn mê, rối loạn chuyển hóa nặng, tổn thương não, hoại tử não...”.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội, cho hay tuần này, cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra cơ sở sản xuất rượu nhỏ lẻ, thủ công; tiếp tục truy tìm nguồn gốc rượu độc. Tất cả các rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc phải thu hồi tiêu hủy; cơ sở cung cấp rượu độc, gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý theo quy định pháp luật, chứ không chỉ xử phạt hành chính.
Trả lời Thanh Niên về kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn TP.Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên - Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường mới chủ yếu kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu lớn, chứ đối với các hộ nhỏ lẻ, các cơ sở sản xuất rượu tự nấu trong dân thì chưa”.
Ông Kiên cho biết thêm với địa bàn TP.Hà Nội thì cơ quan quản lý thị trường cũng chưa có một đánh giá cụ thể với thị trường rượu tự nấu. Tuy nhiên, theo ông, khi ngành y tế hay liên ngành có kế hoạch để đồng loạt tổng kiểm tra thì ngành công thương bố trí lực lượng quản lý thị trường để hỗ trợ ngay chuyên đề này.
Rượu độc ở Hà Nội từng “lọt lưới” 4 cơ quan
Cuối năm 2013, sau khi 6 người chết vì ngộ độc sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội” của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, cơ quan chức năng mới phát hiện ra sản phẩm này chứa hàm lượng methanol vượt 2.000 lần mức cho phép.
Khi đó, theo Sở Công thương Hà Nội, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) với 5 mẫu sản phẩm của Công ty CP xuất nhập khẩu 29 (Công ty 29) Hà Nội là cồn nguyên liệu, rượu nếp can 2 lít, vodka nếp chai 700 ml, vodka nếp chai 750 ml, rượu vang đỏ 30 gr/lít đều có hàm lượng methanol vượt quá mức cho phép.
Nhận định vụ việc trên, đại diện Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN lúc bấy giờ từng chỉ ra: “Trên một sản phẩm rượu có tới 4 “ông” quản lý, như giấy phép kinh doanh do Sở KH-ĐT cấp, giấy phép sản xuất rượu do Sở Công thương cấp, nhãn hiệu do Sở Khoa học - Công nghệ cấp, đăng ký chất lượng do Sở Y tế cấp, nhưng câu chuyện ngộ độc rượu lần này cho thấy quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng rượu đang lỏng lẻo”.
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.