Dòng máu anh hùng: Những đứa con làng biển

09/03/2023 07:30 GMT+7

Hành trình đi dọc chiều dài đất nước, tìm đến các gia đình liệt sĩ Gạc Ma 14.3.1988 khi hy sinh đã có vợ con, chúng tôi đã gặp một số con liệt sĩ sinh ra ở vùng biển. Những người con ấy được người thân, chòm xóm bao bọc, chăm sóc, trưởng thành…

VƯỢT KHÓ Ở M Ca

Căn nhà cấp 4 nằm trong ngõ, cạnh con đường nối từ ngã ba Mỹ Ca (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) vào Vùng 4 hải quân, gọi mãi mới thấy người đàn bà tóc muối tiêu, chậm rãi mở cửa: "Tôi là Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, hy sinh ngoài Gạc Ma ngày 14.3.1988. Mẹ con tôi ở đây, suốt 35 năm qua".

Dòng máu anh hùng: Những đứa con làng biển - Ảnh 1.

Quân và dân tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) mít tinh phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm vùng biển Trường Sa của Việt Nam, tháng 3.1988

NGUYỄN VIẾT THÁI

Bà Hà năm nay 56 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Cam Nghĩa (nay là tổ dân phố Nghĩa Cam, P.Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh), ngay trước cổng Vùng 4 hải quân, nên từ bé đã thường xuyên tiếp xúc với bộ đội khu vực Cam Ranh.

Đầu năm 1985, thượng sĩ Đinh Ngọc Doanh tốt nghiệp khóa đào tạo trung đội trưởng pháo cao xạ 37 mm ở Trường Quân chính Quân khu 7, quay trở lại công tác tại Lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân) và yêu cô Đỗ Thị Hà. Đầu năm 1986, anh Doanh (khi đó 22 tuổi đời và 4 tuổi quân) cưới chị Đỗ Thị Hà 19 tuổi.

Liệt sĩ Gạc Ma và những người ở lại: Người vợ trẻ 35 năm thờ chồng

Sau khi cưới nhau, vợ chồng trẻ được nhà ngoại cho 1 căn nhà lụp xụp trong phần đất gia đình, nhưng mỗi chị Hà ở là chính, còn anh Doanh phải đi đảo hoặc trong đơn vị. Cuối 1986, vợ chồng anh chị sinh con gái Đinh Thị Mỹ Lệ.

Đầu năm 1988, khi con gái Mỹ Lệ hơn 13 tháng tuổi, anh Doanh dự định xin nghỉ phép năm để lần đầu tiên đưa vợ con ra Bắc, ra mắt họ hàng người thân ở quê hương Ninh Khang, Hoa Lư, Ninh Bình, thì nhận được lệnh chỉ huy trung đội ra Gạc Ma bảo vệ đảo và hỗ trợ lực lượng công binh tôn tạo đảo.

Dòng máu anh hùng: Những đứa con làng biển - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Hà bên di ảnh liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh

MAI THANH HẢI

Ngày 14.3.1988, phía Trung Quốc nổ súng ở đảo Gạc Ma làm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, trong số này có trung úy - trung đội trưởng Đinh Ngọc Doanh, khi đó mới hơn 24 tuổi. Do ở ngay cổng căn cứ Cam Ranh, bộ đội qua lại nhiều, nên ngay buổi tối 14.3.1988, chị Hà nhận được tin dữ ngoài biển. Vẫn mong chồng không nằm trong số hy sinh, nhưng mấy ngày sau, hy vọng ấy bị dập tắt bởi tên anh nằm thứ 4 trong danh sách liệt sĩ.

Sau khi chồng mất, chị Hà mới bế bé Lệ ra Ninh Bình cho con gái nhận quê và 2 mẹ con quay lại Cam Ranh, bắt đầu chặng đường vượt khó. "Nhà có 9 anh em đấy, nhưng cũng chỉ giúp được phần nào, mình phải tự lo là chính", bà Hà nhớ lại vậy và cười: "Hồi bé tôi chỉ học hết lớp 2 rồi nghỉ, đi buôn bán phế liệu với mẹ. Năm 1991, mẹ tôi mất, tôi chuyển sang nghề phụ hồ, chỉ dám làm gần nhà để còn có thời gian chăm sóc con gái… Cứ lần hồi sống và nuôi nhau vậy, con gái Đinh Thị Mỹ Lệ cũng học hết THPT, đại học và đang làm việc ở TP.HCM".

TRƯỞNG THÔN NHIỆT HUYẾT

Chúng tôi đến Quảng Bình, tìm về thôn Tây Thôn (xã Ngư Thủy, H.Lệ Thủy) hỏi thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Đình Doãn (chiến sĩ Lữ đoàn 83 công binh hải quân, hy sinh ngày 14.3.1988 tại Gạc Ma, khi vừa tròn 24 tuổi), ai cũng bảo: "Con liệt sĩ do bà nội và cả làng nuôi, giờ là con của làng".

Năm 1984, anh thanh niên Nguyễn Đình Doãn cưới vợ lúc 20 tuổi. Tháng 3.1985, vợ chồng anh sinh con trai Nguyễn Đình Thế, và 5 tháng sau (8.1985), anh Doãn nhập ngũ vào Lữ đoàn 83 công binh hải quân (khi ấy là Trung đoàn 83). Hơn 2 năm biền biệt, đầu tháng 2.1988, hạ sĩ Nguyễn Đình Doãn được về nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Thìn.

Dòng máu anh hùng: Những đứa con làng biển - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Đình Thế, con trai liệt sĩ Nguyễn Đình Doãn trước bàn thờ bố

MAI THANH HẢI

Bà Trần Thị Rắc (93 tuổi, mẹ liệt sĩ Nguyễn Đình Doãn) nhớ lại: "Hắn chưa nghỉ hết phép thì đơn vị gửi điện tín về xã, yêu cầu vào gấp để đi làm nhiệm vụ. Vợ chồng tôi rất ngạc nhiên vì hắn không phải sĩ quan, sao có điện gọi quan trọng vậy? Hỏi ra mới biết hắn đang là Đảng viên dự bị, chuẩn bị chuyển chính thức, nên phải gương mẫu để anh em noi gương".

Sáng 14.3.1988, hạ sĩ Nguyễn Đình Doãn hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tôn tạo đảo Gạc Ma (Trường Sa). Năm 1990, cậu bé Nguyễn Đình Thế mới 5 tuổi đã phải ở với ông bà nội, do mẹ cậu vào lấy chồng ở Quảng Trị.

Cậu bé Nguyễn Đình Thế nhỏ con, ốm đau quặt quẹo ngày xưa, nay đã là Trưởng thôn - Phó bí thư Chi bộ thôn Tây Thôn. Ngồi nói chuyện với tôi trong căn nhà mới xây xong phần thô từ năm 2012, trống hoác và ù ù gió lạnh ngoài biển ngay cạnh thổi vào, Thế tâm sự rất nhiều về những tháng ngày đã qua.

Suốt những năm tiểu học và THCS, Thế học trong xã. Khi lên THPT, Thế phải đạp xe đi học gần 60 km mỗi ngày. Cậu muốn nghỉ ở nhà làm nghề biển, nhưng ông bà nội và họ hàng làng xóm động viên: "Hoàn cảnh nhà đã vậy, càng phải gắng học". 2 năm học lớp 10 và 11, Thế đi học từ 5 giờ sáng, tối mịt mới về. Năm lớp 12, cậu phải trọ học gần trường để tập trung ôn luyện đại học. Không đậu đại học, Thế đi học hệ trung cấp quản lý đất đai. Ra trường không xin được việc làm, nên đành đi làm thợ sắt, phụ hồ công trình xây dựng trong miền Nam.

Năm 2010, Thế được ký hợp đồng nhân viên địa chính, thuộc UBND xã Ngư Thủy Nam (nay là xã Ngư Thủy). Năm 2012, do không thi đậu công chức nên Thế lại phải vào miền Nam làm thuê.

Năm 2016, Thế được gọi về làm nhân viên hợp đồng địa chính - xây dựng. Năm 2020, chính quyền xã có công chức địa chính thì Thế chính thức nghỉ công việc trên xã, làm Trưởng thôn - Phó bí thư Chi bộ thôn Tây Thôn với phụ cấp 1,043 triệu đồng/tháng.

"Nhiều lần bà nội bắt em chở lên huyện gặp lãnh đạo, trình bày hoàn cảnh gia đình để xin cho em vào làm chính thức. Em nghe lời bà đúng 1 lần rồi thôi. Mình là con liệt sĩ, dù thế nào cũng phải giữ phẩm chất bộ đội Trường Sa của bố", Thế tự tin nói như vậy và bảo: "Ở quê, làm trưởng thôn cực lắm, nhưng em vẫn cố gắng để giúp đỡ bà con làng xóm".

Có điều, trưởng thôn Nguyễn Đình Thế giấu không cho chúng tôi biết: Thi thoảng, anh vẫn đi biển làm thuê ngắn ngày cho mấy chủ tàu quen, để phụ tiền trang trải chi phí trong gia đình với vợ là cô giáo mầm non Diệp Thị Tình. Năm 2012, đoàn của Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội vào thăm gia đình liệt sĩ, thấy căn nhà tình nghĩa (xây từ 2002) xuống cấp, nên tặng 50 triệu để xây nhà. Vợ chồng Thế vay ngân hàng, mượn hàng xóm và thế chấp sổ lương thêm 250 triệu đồng để dựng căn nhà, xong phần thô thì hết tiền. Hơn 11 năm nay, vợ chồng trưởng thôn - giáo viên trả được 150 triệu, vẫn còn nợ 100 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.