35 năm trận chiến đấu bảo vệ Trường Sa (14.3.1988 - 14.3.2023):

Dòng máu anh hùng: 'Tôi vẫn muốn quay lại Trường Sa'

08/03/2023 06:25 GMT+7

64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ Trường Sa (Khánh Hòa) ngày 14.3.1988, nhiều người đã có vợ con. 35 năm sau, những người thân của các liệt sĩ đã vượt qua mọi khó khăn vất vả, vươn lên và sống kiên cường…

Căn nhà nằm chân cầu Châu Sơn (TP.Phủ Lý, Hà Nam) nhìn ra sông Đáy xanh ngắt. Trung tá Trần Thị Thu Hà (con gái liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Đức Thông) kể: "Trước khi hy sinh, bố tôi về nghỉ phép và mấy bố con gánh từng bao đất lấp ao, mới thành mặt bằng để dựng lên căn nhà hôm nay".

CON GÁI TRỤ CỘT

Tháng 4.1962, anh thanh niên Trần Đức Thông rời quê hương Minh Hòa (H.Hưng Hà, Thái Bình) vào bộ đội phòng không, trực tiếp chiến đấu tại Trung đoàn pháo cao xạ 227 - Quân khu Hữu Ngạn (nay là Quân khu 3), Trợ lý tác chiến Lữ đoàn pháo cao xạ 223, Quân khu Trị Thiên (nay là Lữ đoàn phòng không 673, Quân đoàn 2). Sau 30.4.1975, trung úy Trần Đức Thông được cử đi học sĩ quan chỉ huy pháo phòng không tại Trường Sĩ quan phòng không (nay là Học viện Phòng không - không quân) và cuối năm 1978, được điều động sang Quân chủng Hải quân, vào Vùng 4 nhận nhiệm vụ ngoài đảo Sơn Ca (Trường Sa).

 Dòng máu anh hùng: 'Tôi vẫn muốn quay lại Trường Sa' - Ảnh 1.

Trung tá Trần Thị Thu Hà và em trai Trần Hoài Nam với 2 vỏ ốc, kỷ vật của người cha Trần Đức Thông

LÊ NAM

Trung tá Trần Thị Thu Hà (hiện công tác tại Phòng hậu cần, Công an tỉnh Hà Nam) kể: "Năm 1970, bố tôi xây dựng gia đình với mẹ (bà Nguyễn Thị Seo, mất năm 2005) là kế toán Công ty vật tư tổng hợp Hà Nam Ninh. Năm 1971, tôi ra đời và 1974 là em trai Trần Hoài Nam. Năm 1975, công ty lập chi nhánh ở Phủ Lý (Hà Nam), mẹ tôi đưa 2 chị em lên khu tập thể (giờ là P.Hai Bà Trưng, TP.Phủ Lý) sống trong căn phòng vách đất. Vài năm sau, bố mẹ dành dụm mua được cái ao cạnh khu tập thể và mỗi lần về phép, bố lại cởi trần gánh đất từ bờ sông Đáy lên lấp ao, mãi năm 1983 mới xong và đến 1985 dựng được căn nhà cấp 4 rộng khoảng 40 m2".

Liệt sĩ Gạc Ma và những người ở lại: Cái tết cuối cùng của cha

Cuối tháng 2.1988, trung tá Trần Đức Thông (Phó lữ đoàn trưởng quân sự, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) được cấp trên cho ra Bắc nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Thìn 1988. Mới nghỉ được nửa phép thì bà Nguyễn Thị Seo nhận được điện tín từ Vùng 4 Hải quân gửi ra, yêu cầu trung tá Trần Đức Thông vào ngay đơn vị, nhận nhiệm vụ đột xuất.

Chấp hành lệnh trên, trung tá Trần Đức Thông trở lại Cam Ranh (Khánh Hòa), chỉ huy lực lượng phòng thủ đảo của Lữ đoàn 146, công binh Lữ đoàn 83 đi theo tàu HQ-604 (Lữ đoàn 125 hải quân) ra Gạc Ma làm nhiệm vụ. Sáng 14.3.1988, trung tá Thông hy sinh cùng 63 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (Trường Sa) trước cuộc tấn công của lính Trung Quốc. Đây cũng là ngày, lẽ ra anh hết phép.

Trung tá Trần Thị Thu Hà nhớ lại thời điểm đầu tháng 2.1988, khi mới 17 tuổi đang học lớp 12, bố Trần Đức Thông được về nghỉ tết: "Bố và tôi đạp xe từ Phủ Lý về quê Hưng Hà ở chơi cả tuần. Bố đưa đến từng nhà chào hỏi, giới thiệu con gái với bà con xóm giềng và nói tôi là con gái lớn, trụ cột trong gia đình, căn dặn đủ điều, cứ như có điềm báo trước".

Sau ngày 14.3.1988, cứ vài ngày gia đình lại nhận được thư của trung tá Trần Đức Thông (về sau mới biết thư đã được viết sẵn, trung tá Thông trước khi lên tàu ra Gạc Ma, đã đưa cho chiến sĩ liên lạc, nhờ gửi). Buổi tối 20.3.1988, con gái Trần Thị Thu Hà ngồi học bài, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát các bài hát về biển đảo, thấy nóng ruột nên viết thư gửi cho bố (lá thư này đến Bưu cục Cam Ranh ngày 28.3.1988 và hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hải quân).

Tối 26.3.1988, chị em Hà - Nam nghe chương trình phát thanh Quân đội trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tường thuật trận chiến đấu bảo vệ Trường Sa 14.3.1988, có đoạn "trung tá Trần Đức Thông bị thương ở đầu nhưng vẫn đứng mũi tàu chỉ huy bộ đội và anh dũng hy sinh". Biết là bố hy sinh, nhưng 2 chị em vẫn giấu nhẹm chiếc đài, không cho mẹ biết. Đầu tháng 4.1988, khi đơn vị về gia đình thông báo chính thức, bà Seo ngất lịm, nằm liệt cả tháng trời…

 Dòng máu anh hùng: 'Tôi vẫn muốn quay lại Trường Sa' - Ảnh 2.

Di ảnh Anh hùng - liệt sĩ Trần Đức Thông

LÊ NAM

RA TRƯỜNG SA VỚI BỐ

Tháng 10.1988, chị Trần Thị Thu Hà được Quân chủng Hải quân tạo điều kiện sang lao động hợp tác tại CHDC Đức (cũ) do là con liệt sĩ, gia đình khó khăn. Cuối năm 1990, chị Hà về nước, tự ôn thi và trúng tuyển Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Năm 1995, chị Hà tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính kế toán của Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, đi làm ở doanh nghiệp.

Đầu năm 1997, tỉnh Hà Nam được tái lập, lãnh đạo tỉnh và Ban giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an (khi đó là Bộ Nội vụ) Lê Hồng Anh, tuyển thẳng chị Trần Thị Thu Hà (con gái Anh hùng - liệt sĩ Trần Đức Thông) vào lực lượng Công an nhân dân. Qua 26 năm công tác, hiện nay trung tá Trần Thị Thu Hà giữ chức danh đội trưởng, thuộc Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Hà Nam.

Tháng 4.2015, sau nhiều lần đề nghị, chị Trần Thị Thu Hà (khi đó mang cấp hàm thượng úy) được cấp trên cho phép tham gia đoàn công tác số 4, theo tàu 561 (Vùng 4 Hải quân) ra thăm quần đảo Trường Sa và thắp hương, làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ, ngay tại vùng biển Gạc Ma mà bố mình đã hy sinh.

 Dòng máu anh hùng: 'Tôi vẫn muốn quay lại Trường Sa' - Ảnh 3.

Bộ đội đảo Trường Sa diễn tập phòng thủ đảo, tháng 3.1988

Quân chủng Hải quân

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, trung tá Trần Thị Thu Hà vẫn giữ nguyên cảm xúc về chuyến công tác Trường Sa cách đây 8 năm. Chị bảo: "Tôi vẫn muốn quay lại Trường Sa, thăm đảo Sơn Ca - nơi bố tôi đã làm đảo trưởng trong 3 năm liên tục (1979 - 1982) và đưa con trai mình ra thắp hương cho ông ngoại".

Con trai của chị Hà là thiếu úy Vũ Tiến Anh, năm nay 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Học viện Chính trị Công an nhân dân, đang công tác tại Công an P.Lê Hồng Phong, TP.Phủ Lý. Ở nhà chị Hà, vẫn gìn giữ chiếc tủ gỗ và 2 vỏ ốc tai phật (ốc kim khôi), do Anh hùng Trần Đức Thông mang về khi còn sống.

"Bố mang 2 cái vỏ ốc từ đảo Sơn Ca về cho 2 chị em, bảo: Khi nào nhớ thì lấy nghe, sẽ thấy tiếng của bố ngoài biển", chị Hà nói và cùng em trai áp tai vào vỏ ốc. Tiếng gió vọng từ con ốc biển cứ ù ù nức nở, như tiếng gọi suốt 35 năm. (còn tiếp)

Năm 1984, tôi 10 tuổi và được bố Trần Đức Thông đưa vào Cam Ranh học lớp 5. Được gần 1 năm thì phải dừng, ra quê học, do việc đi lại từ trong căn cứ ra ngoài quá vất vả, toàn phải chờ đi nhờ xe của quân nhân Liên Xô (cũ) đóng trong căn cứ Cam Ranh.

Năm 1992, tôi tốt nghiệp THPT, xin nhập ngũ vào đơn vị cũ của bố là Lữ đoàn 146, nhưng khi vào huấn luyện tân binh, các chú trên Quân chủng Hải quân biết chuyện, cho về vì là "con trai duy nhất của Anh hùng - liệt sĩ". Sau đó tôi đi học Trường cao đẳng Tài chính - kế toán và hiện công tác tại Công ty kinh doanh than Ninh Bình (thuộc Công ty CP kinh doanh than miền Bắc, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam).

Anh Trần Hoài Nam (con trai Anh hùng - liệt sĩ Trần Đức Thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.