Sau trận thua 0-2 trước đội tuyển Việt Nam trong ngày ra quân vòng loại thứ 2 World Cup 2026, HLV Michael Weiss của chủ nhà Philippines đã nhắc lại ký ức ở SEA Games 32, khi ông Weiss nắm đội U.22 Lào, cũng thua U.22 Việt Nam của HLV Philippe Troussier với tỷ số tương tự ở vòng bảng.
Tuy nhiên, sự gợi nhớ của ông Weiss có lẽ không đơn thuần nằm ở chỗ tái ngộ HLV Troussier, mà còn bởi U.22 Việt Nam cách đây 6 tháng và đội tuyển Việt Nam hiện tại có nhiều điểm tương đồng về lực lượng.
3 cầu thủ từng ra sân ở SEA Games 32 gồm Minh Trọng, Thái Sơn và Tuấn Tài đã được ông Troussier bố trí đá chính trước Philippines tối 16.11. Sang hiệp 2, đến lượt Văn Cường, Văn Tùng vào sân, chưa kể chân sút trẻ Đình Bắc cũng được tạo điều kiện sát cánh cùng đàn anh.
Với 6 cầu thủ ở độ tuổi U.22, chưa kể Thanh Bình (23 tuổi), Việt Anh (24 tuổi) và Tuấn Hải (25 tuổi) mới chỉ bước qua ngưỡng trẻ được 1 - 2 năm, đội tuyển Việt Nam đã thắng Philippines bằng sức trẻ cuồn cuộn. Đáng nói hơn, HLV Troussier hiểu rõ thời gian thử nghiệm đã kết thúc, đồng nghĩa mọi kết quả bất lợi đều trở thành "giọt nước tràn ly", đẩy thêm sức ép lên vai ông cùng học trò.
Dù vậy, chiến lược gia người Pháp vẫn giữ niềm tin vào cầu thủ trẻ và thu được "quả ngọt" đầu tiên, khi các học trò đều đá từ mức tròn vai (Thái Sơn, Văn Cường, Tuấn Tài, Văn Tùng) đến tốt (Đình Bắc, Minh Trọng).
Trong đó, đáng nói nhất là khoảnh khắc đi bóng và dứt điểm tự tin vào góc gần để ấn định chiến thắng 2-0 của Đình Bắc. Chân sút 19 tuổi từng không đậu vào lò SLNA, phải sắm vai dự bị ở U.20 Việt Nam, không sánh bằng Văn Khang, Văn Trường hay Quốc Việt về tầm ảnh hưởng.
Ở SEA Games 32, Đình Bắc không lọt vào "mắt xanh" của ông Troussier. Phải đến vòng loại U.23 châu Á 2024, Đình Bắc mới bất ngờ được triệu tập, rồi bước vào hành trình thăng tiến đầy bất ngờ.
Nhưng Đình Bắc không "cô đơn", bởi có rất nhiều tài năng trẻ được tạo đường băng để từ U.22 lên thẳng đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Troussier.
Khi cuộc thử nghiệm kết thúc và những cầu thủ như Đình Bắc vẫn ở lại, đồng nghĩa chiến lược gia người Pháp xác định dàn sao trẻ là lực lượng cốt lõi của đội tuyển ngay từ thời điểm này, chứ không phải gọi cầu thủ trẻ lên tuyển để "cấy ghép" cho tương lai.
Đó là niềm tin dù bị hoài nghi là đang để cầu thủ bị "chín ép" bởi phần lớn non kinh nghiệm thi đấu, nhưng HLV Troussier vẫn kiên trì bởi ông có 4 năm làm việc để hiểu rõ năng lực học trò. Đồng thời, đây là những cầu thủ sẵn sàng cởi mở với sự thay đổi.
Hình ảnh hậu vệ Minh Trọng tự tin đập nhả rồi có những pha di chuyển cắt vào trung lộ để tạo cơ hội tiêu biểu cho triết lý kiểm soát của HLV Troussier, đòi hỏi các cầu thủ phải tư duy vị trí nhanh, làm chủ các phần sân trọng yếu để tạo ra cơ hội. Sự tự tin, chủ động, không ngại tung ra những đường chuyền táo bạo của đội tuyển Việt Nam lúc này là khác biệt so với tư duy thận trọng, chắc chắn trước đây mà HLV Park Hang-seo xây dựng.
Mỗi kiểu chơi bóng lại có một điểm mạnh riêng. Chưa thể nói lối chơi của ông Troussier ưu việt hay kém cỏi hơn người tiền nhiệm. Nhưng chắc chắn, HLV nào cũng muốn tìm nhân tố phù hợp với chiến thuật, và với HLV Troussier, kinh nghiệm thi đấu hay danh tiếng quá khứ không phải là yếu tố cần cân nhắc. HLV người Pháp chỉ lựa chọn người phù hợp.
HLV Troussier giải thích thấu đáo lý do rút Tiến Linh và Văn Thanh sau hiệp 1 trận gặp Philippines
"Phù thủy trắng" vẫn cần kinh nghiệm của dàn cựu binh, nhưng khi các cầu thủ kinh nghiệm thích nghi không đủ nhanh với quá trình chuyển dịch triết lý thi đấu, HLV Troussier đã giao trọng trách lên vai cầu thủ trẻ. Đây rõ ràng là một ván cược, nhưng ở nước đi đầu tiên, ít nhất nhà cầm quân người Pháp đã thắng.
Tuy nhiên, thử thách cho dàn sao trẻ còn rất nhiều. Ở trận tiếp theo vào ngày 21.11, đội tuyển Iraq sẽ là "đỉnh núi" đội tuyển Việt Nam phải vượt qua. Đây mới đích thực là khó khăn ở tầm cỡ châu Á, để đánh giá chính xác năng lực hiện tại của thầy trò ông Troussier.
Bình luận (0)