Đồng Nai: Tổng lực xét nghiệm bóc tách F0, làm sao để người dân an toàn?

Đức Nguyễn
Đức Nguyễn
24/08/2021 13:16 GMT+7

Một trong những biện pháp chống dịch Covid-19 được Đồng Nai ưu tiên trong “trận đánh quyết định” chống Covid -19 là tổng xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm là làm sao để họ được an toàn.

Sáng 24.8, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Đồng Nai tiếp tục có cuộc họp quan trọng bàn các giải pháp chống dịch, khi thời hạn ngày 1.9 là tỉnh này cơ bản khống chế được dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Bố trí xét nghiệm chưa khoa học, lãng phí nhân lực

Tại cuộc họp, Bí thư Tình ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, công tác xét nghiệm là hết sức quan trọng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo ông Lĩnh, có 3 yếu tố cần lưu ý trong xét nghiệm là số lượng người dân tham gia, cơ cấu người dân và tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, công tác này tại Đồng Nai còn làm rất chậm. Có tình trạng người xét nghiệm thì không mời mà thay bằng người khác, số lượng thì đủ nhưng sai cơ cấu.
“Cứ để một F0 còn nằm trong cộng đồng thì nguy cơ có thêm 100 ca dương tính và chỉ cần một tuần thôi là bùng dịch. Cần phải chạy đua thời gian với con virus, quyết tâm bóc tách cho được FO khỏi cộng đồng. Nếu để thất bại thì chúng ta không những không triển khai được nhiệm vụ kinh tế, xã hội mà còn tiếp tục khổ dân”, ông Lĩnh cương quyết.

Người dân TP.Biên Hòa xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm 

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Phó viện trưởng Viện sức khỏe và môi trường Bộ Y tế, tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai, cho biết chiến dịch xét nghiệm diện rộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được chia làm 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 3 ngày.
Tuy nhiên theo ông Sơn, các huyện, thị còn thực hiện rất chậm. Nguyên nhân chậm là do công tác tổ chức chưa khoa học, thiếu nhân lực y tế. Một số địa phương kêu gọi Bộ Y tế, các tỉnh, thành hỗ trợ nhưng việc bố trí lực lượng chưa khoa học, còn lãng phí. Theo ông Sơn, nguyên tắc trước khi lấy mẫu phải có danh sách, đúng thành phần, cơ cấu người dân được lấy mẫu theo nhóm nguy cơ.
“Một số xã, huyện không có sự chuẩn bị, chiều bắc loa thông báo nhưng người dân không biết họ có thuộc đối tượng phải lấy mẫu hay không, dẫn đến tình trạng người cần lấy mẫu xét thì không đi, người đi thì không cần”, ông Sơn nói.

Khi nhiễm Covid-19 thì nên uống thuốc gì?

Làm thế nào để an toàn cho dân?

Theo ông Sơn, để đảm bảo công tác xét nghiệm an toàn, Bộ Y tế đã có hướng dẫn quy trình nguyên tắc xét nghiệm rất khoa học. Khi xét nghiệm người dân, cán bộ xét nghiệm và các cơ quan y tế phải có quy trình sẵn để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhân viên lấy mẫu phải liên tục sát khuẩn, thay găng tay y tế thường xuyên và không để người dân quay mặt vào khu vực lưu mẫu. Đối với người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt 5K, giữ đúng khoảng cách.

Một chốt chặn 24/24 tại cửa ngõ cầu Đồng Nai do Công an tỉnh Đồng Nai kiểm soát

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng qua tổng xét nghiệm vòng 1, các địa phương cần rút kinh nghiệm trong cách làm. Các địa phương cần lập sẵn danh sách để không lúng túng, bị động, đảm bảo an toàn cho người dân. Tránh tình trạng chỗ rất đông thì điều mỏng và chỗ ít dân thì điều đông.
Ông Dũng cũng lưu ý không để lệch pha trong việc xét nghiệm ngoài cộng đồng và trong khu công nghiệp. Làm sạch trong khu dân cư mà trong KCN vẫn còn F0, lúc này nguy cơ vùng xanh lại biến thành vùng đỏ. Do đó, ông Dũng yêu cầu các đơn vị xét nghiệm phải làm song song để khi xử lý dứt điểm trong khu dân cư thì khu công nghiệp cũng xong.
Để đảm bảo an toàn cho dân, tránh tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm cao khi thực hiện khai báo viết tay, các đơn vị cần số hóa quy trình lập danh sách, khai báo, nhập liệu thông qua mã QR code trên điện thoại thông minh.
“Số liệu báo cáo cứ nhảy nhót, không khớp với nhau nên để nghị Sở TT-TT phối với các doanh nghiệp viễn thông có ngay giải pháp hỗ trợ thông qua số hóa, thông báo tin nhắn đến người dân thì sẽ giữ khoảng cách, đảm an toàn’, ông Dũng nói.

Bác sĩ ơi! Cách này chữa Covid được không_

Báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai sáng 24.8 cho biết, công tác xét nghiệm PCR trong ngày (23.8) đối với 14.920 mẫu thì phát hiện 1.916 ca F0. Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 4 cơ sở xét nghiệm khẳng định là Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, BV Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Qua test nhanh kháng nguyên, toàn tỉnh đã thực hiện 76.880/211.327 người dân, phát hiện 406 trường hợp dương tính. Lũy kế có 2.116/1.082.034 trường hợp test nhanh dương tính, tỉ lệ 0.19%. Riêng TP.Biên Hòa đã thành lập 475 tổ tập trung huy động lấy mẫu xét nghiệm trên 30 phường, xã. Qua xét nghiệm phát hiện 470 ca dương tính, bình quân cứ 530 người thì có 1 F0.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.