Đông Nam bộ cần cơ chế ưu tiên phát triển

19/07/2023 06:47 GMT+7

Thống nhất việc cần có chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ KH-ĐT nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới, nhằm phát triển vùng, trong đó có các chính sách về điều phối, phát triển liên kết vùng.

Sáng 18.7, tại TP.HCM, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Vùng Đông Nam bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, tuy có diện tích nhỏ nhưng dân số đông, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách. Dù vậy, đây cũng là khu vực được đánh giá hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng, liên kết giữa các địa phương vẫn còn lỏng lẻo vì thiếu cơ quan điều phối chung.

Đông Nam bộ cần cơ chế ưu tiên phát triển - Ảnh 1.

Huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước với mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tập trung các dự án giao thông trọng điểm

Nhật Thịnh

Những bất cập trên đã được Bộ Chính trị nhận diện đầy đủ trong Nghị quyết 24 năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ. Ngày 11.7, Thủ tướng ký quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng; phó chủ tịch gồm bộ trưởng các bộ: KH-ĐT, GTVT, KH-CN, TN-MT và Xây dựng.

Theo quy chế hoạt động, hội đồng sẽ điều phối trên 6 lĩnh vực: lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách; giải quyết các vấn đề liên kết vùng; kế hoạch điều phối liên kết vùng; cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.

Đông Nam bộ cần cơ chế ưu tiên phát triển - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các thành viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ

Sỹ Đông

LẬP QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG 

Tại hội nghị, câu chuyện hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là giao thông được lãnh đạo nhiều bộ ngành và các địa phương trong vùng Đông Nam bộ nhắc đến nhiều nhất. Bởi theo thống kê của Bộ GTVT, chỉ riêng đường cao tốc, toàn vùng mới có 103 km, đang thi công 178 km và chuẩn bị khởi công 125 km. TP.HCM là trung tâm của vùng nhưng tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 chưa hình thành. Bộ GTVT phấn đấu đến năm 2025, cả vùng có hơn 400 km cao tốc đưa vào khai thác. Trong giai đoạn 2021 - 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỉ đồng để hoàn thiện mạng lưới đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt, đường biển.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Hội đồng điều phối vùng không phải là một cấp hành chính nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng như các hoạt động liên kết theo 6 lĩnh vực đã đề ra.

Hội đồng cũng tham gia giải quyết các bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được như các vấn đề giao thông liên vùng, ùn tắc giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, có thể giải quyết những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và tích hợp đầy đủ, thống nhất, đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, trong đó huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước với mục tiêu "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", tập trung các dự án giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Ông Nguyễn Văn Thắng cũng đề xuất cho vùng Đông Nam bộ được áp dụng một số chính sách có tính đột phá, vượt trội tương tự chính sách thí điểm được Quốc hội cho phép TP.HCM áp dụng như phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương có năng lực thực hiện dự án liên vùng; tăng tỷ lệ góp vốn của nhà nước trong các dự án đối tác công tư; tạo quỹ đất 2 bên cao tốc, nhà ga để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).

Đồng tình với đề xuất này, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng cần mở rộng mô hình TOD đối với các dự án giao thông của vùng, bao gồm cả đường bộ và đường sắt đô thị. Như Vành đai 3 TP.HCM qua Bình Dương, khi không còn làm công nghiệp nữa thì chuyển sang làm đô thị, logistics.

Đối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang lập đề án đầu tư, TS Trần Du Lịch cho rằng cần phải kết hợp 2 cảng này thành cảng quốc tế, hình thành cửa ngõ của Đông Nam Á thay vì cạnh tranh nhau. "Từ nay đến năm 2025 chuẩn bị cho tiền đề về thể chế, dự án đầu tư thì vùng Đông Nam bộ sẽ tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2035", ông Lịch dự báo.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng từ vốn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa và các nguồn khác. Quỹ có nhiệm vụ đầu tư, đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng.

"Việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn vùng với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương, đặc biệt là vấn đề hạ tầng, giao thông - một yếu tố mang tính huyết mạch cho sự phát triển và khai thác hết tiềm năng của vùng", ông Mãi nói và cho biết qua trao đổi thì lãnh đạo các tỉnh trong vùng, Ngân hàng Thế giới và các doanh nghiệp bày tỏ sự thống nhất cao và ủng hộ xây dựng quỹ.

Đông Nam bộ cần cơ chế ưu tiên phát triển - Ảnh 4.

GIẢI QUYẾT 3 ĐIỂM NGHẼN

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, lưu ý thành viên hội đồng tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với công tác quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện quy hoạch cho vùng Đông Nam bộ và quy hoạch vùng TP.HCM. Trong đó, quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và "hóa giải" những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, yếu kém của vùng.


Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM: Quy hoạch lại mạng lưới bệnh viện tuyến cuối

Đông Nam bộ cần cơ chế ưu tiên phát triển - Ảnh 6.

Sỹ Đông

TP.HCM đề nghị một số chính sách đặc thù cho vùng như thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) vùng và xây dựng mạng lưới bệnh viện tuyến cuối của vùng. Hiện TP.HCM đang xây dựng mô hình của CDC và nhận thấy cần lập CDC cấp vùng. Nếu chúng ta không tính toán lại các bệnh viện tuyến cuối, thì tất cả bệnh tuyến cuối đều chuyển về TP.HCM hết. Trong khi đó, các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước đều có khả năng hình thành bệnh viện tuyến cuối ở từng lĩnh vực cụ thể. Nên cần quy hoạch mạng lưới bệnh viện tuyến cuối để củng cố nguồn lực trên phạm vi rộng cũng như kịp thời chăm sóc sức khỏe người dân.

TP.HCM cũng đề xuất cho phép các địa phương trong vùng được hưởng 5 chính sách tương tự như Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội cho TP.HCM thí điểm: mô hình phát triển đô thị TOD, các chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thu hút nhà đầu tư chiến lược cũng như phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong vùng.

"Trước mắt phải tập trung xử lý 3 vấn đề: ách tắc giao thông; bảo vệ môi trường sống và môi trường sinh thái; giải quyết nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, khu ổ chuột trong thành phố", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thống nhất việc cần có chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam bộ, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ KH-ĐT nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới, nhằm phát triển vùng, trong đó có các chính sách về điều phối, phát triển liên kết vùng. "Đã đột phá thì phải có cơ chế ưu tiên thì mới làm được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng, cố gắng hoàn thành trong quý 3/2023. Thủ tướng yêu cầu đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động đa dạng các nguồn vốn như vay quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu…

Đối với những vấn đề liên tỉnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT nghiên cứu xác định những việc cần chỉ đạo thống nhất để tổ chức thực hiện, những vấn đề phát sinh trên địa bàn mà liên quan đến vùng thì địa phương đề xuất hội đồng giải quyết nhanh. Trong tháng 7.2023, các tỉnh, thành phố lập bộ phận giúp việc bám sát nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng. Từ nay đến cuối năm, cơ quan thường trực rà soát, kiện toàn tổ chức và thẩm quyền của hội đồng. "Đã làm là phải làm đến nơi đến chốn, không có hình thức. Đã làm là phải ra sản phẩm, của cải vật chất, phải lượng hóa được", Thủ tướng lưu ý.


Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: Sớm xúc tiến quy hoạch sân bay Tây Ninh

Đông Nam bộ cần cơ chế ưu tiên phát triển - Ảnh 9.

VGP

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có đủ dư địa và điều kiện cần thiết để phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững và trở thành điểm kết nối quan trọng vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam bộ gắn với hành trang kinh tế Xuyên Á.

Trước hết, cần hoàn thiện và phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối, nhất là hiện thực hóa và sớm hoàn thành tuyến cao tốc Mộc Bài - TP.HCM, đồng thời nghiên cứu hình thành đường sắt tốc độ cao Mộc Bài - TP.HCM, đặc biệt là kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, sớm xúc tiến quy hoạch sân bay Tây Ninh trở thành cảng hàng không, sân bay dân dụng vệ tinh, giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng như tạo kết nối giữa khu du lịch quốc gia núi Bà Đen với các điểm du lịch trong nước và quốc tế.

Sỹ Đông (ghi)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.