2 ngày trước khi khám, bệnh nhân (BN) sốt, ho khan, đau rát họng, khàn tiếng, chảy nước mũi. BN có đồng nghiệp nhiễm cúm A. Tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Medlatec, kết quả xét nghiệm xác định thai phụ mắc sốt xuất huyết (dương tính vi rút Dengue 1) đồng thời dương tính vi rút cúm A.
Theo Th.S-BS Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên khoa Truyền nhiễm, BVĐK Medlatec), khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ bầu yếu hơn, rất dễ bị tấn công bởi các vi rút. “Việc đồng nhiễm 2 bệnh truyền nhiễm trên thai phụ là rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ, biến chứng ở cả mẹ và thai nhi như gây dị tật thai nhi, sẩy thai, chết lưu, sinh non hoặc nguy cơ tiền sản giật”, bác sĩ (BS) Hương cho biết.
Điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM |
Nhật Thịnh |
Nhận biết triệu chứng bất thường
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm lưu ý: Khi mang thai, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc sử dụng tại nhà nếu không có sự tư vấn của BS. Cần theo dõi sát nhiệt độ, vì sốt có thể gây ảnh hưởng cho thai. Nếu sốt trên 38 độ C, mẹ bầu cần hạ sốt bằng chườm ấm, dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của BS, bổ sung nước và tăng cường các loại nước trái cây (chanh, cam, bưởi, dưa hấu...), mặc quần áo rộng, thoáng.
BS Hương khuyến cáo: Hiện các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng như cúm A, B, sốt xuất huyết, Covid-19 hay nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập với những triệu chứng khởi đầu thông thường dễ khiến người mắc chủ quan. Phụ nữ mang thai nếu có dấu hiệu bất thường như: ho, sốt, chảy máu, đau bụng, mệt mỏi… cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán đoán kịp thời; tránh những căng thẳng, lo âu gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Để tránh nhiễm sốt xuất huyết, cần mắc màn khi ngủ, loại trừ các điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển, tránh đến nơi có người mắc bệnh để hạn chế lây nhiễm. Ngoài ra, nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, sát khuẩn tay, tiêm vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của nhân viên y tế để phòng các bệnh truyền nhiễm hiệu quả.
Bình luận (0)