Cống nước đen, bốc mùi đổ ra biển
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngay gần Hòn Chồng, đối diện Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Khánh Hòa (P.Vĩnh Phước) có một cống nước rất lớn bốc mùi hôi thối, chảy trực tiếp ra biển.
Dòng nước này nổi bọt trắng, cùng nhiều rác xung quanh. Điều đáng nói là biển Hòn Chồng hằng ngày tập trung rất đông người dân, du khách đến vui chơi, tắm biển. Ông Bé (ngụ TP.Nha Trang) cho biết mỗi lần đi tắm biển là ông phải né xa khu vực có cống nước thải này.
"Ngay bãi tắm công cộng mà lại xuất hiện cống nước thải to đùng thế này thì không thể chấp nhận được, điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường khu vực mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của TP.Nha Trang. Tình trạng này xuất hiện cũng khá lâu rồi mà không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa được xử lý", ông Bé bức xúc.
Cách đó chỉ vài trăm mét, cũng ở bãi tắm Hòn Chồng là một cống nước thải khác rất lớn chảy trực tiếp ra biển. Dòng nước ở đây cũng có màu đen, nổi váng và bọt trắng khiến cả du khách nước ngoài và người dân địa phương không dám lại gần.
Xa hơn một chút, tại bãi biển Ba Làng (P.Vĩnh Hòa) cũng có một hố sâu to tướng, đọng nước đen ngòm.
Theo quan sát của PV, tại đây có 2 cống nước rất lớn nằm sát nhau, nước từ các ống cống chảy rả rích ngày đêm ra biển tạo thành dòng khiến cả khu vực này rất ô nhiễm.
"Bãi biển mình đẹp như thế mà lại có cống nước thải to đùng đổ ra biển. Tôi là người dân địa phương nhìn còn thấy ghê chứ chưa nói đến du khách, họ sẽ một đi không dám trở lại để tắm biển lần thứ hai. Tôi đề nghị chính quyền cần xử lý dứt điểm tình trạng này sớm chứ ai lại để cống nước thải ô nhiễm này kéo dài mãi như thế được", bà Lan, người dân phố biển nêu ý kiến.
Rạn san hô Hòn Chồng bị đe dọa
Theo báo cáo mới của các nhà nghiên cứu Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, với số lượng phong phú trên 350 loài san hô, rạn san hô Nha Trang được giới khoa học đánh giá là quan trọng bậc nhất Việt Nam và khu vực. Tuy nhiên, do san hô trong vịnh bị suy giảm nghiêm trọng nên khu vực Hòn Chồng - nơi cuối cùng còn lại rạn san hô có độ phủ tốt, đóng vai trò là nơi bảo tồn nguồn gen, cung cấp nguồn giống san hô giúp gây dựng lại hệ sinh thái san hô trong vịnh.
Theo ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, khảo sát nhanh tại khu vực Hòn Chồng, Đặng Tất đầu tháng 7.2023 cho thấy có một số khu vực rạn san hô bị tẩy trắng, gãy do cơ học. Điều đáng chú ý là có nhiều hải miên và tảo xanh đang phát triển trên một số vùng rạn san hô đang sống và trên nền đáy san hô đã chết, có trầm tích bám lên rạn san hô. Điều này cho chất lượng nước trong khu vực có xu hướng giảm (hàm lượng trầm tích và chất dinh dưỡng trong nước tăng).
Theo ông Thái, khu vực biển Hòn Chồng, Đặng Tất đang chịu ảnh hưởng của các cống thoát nước mưa. Khi có mưa lớn, cống thoát nước mưa chảy trực tiếp ra biển kéo theo lượng trầm tích ảnh hưởng trực tiếp đến san hô do vùng rạn gần sát với đất liền. Gần đây nhất vào tháng 5.2023 có tình trạng nước thải sinh hoạt ở cống Hòn Một chảy ra biển.
Cùng với đó, bãi tắm sát với rạn san hô nên người dân lội ra bắt cua, ốc vào ngày nước thuỷ triều xuống thấp; một số người dân vẫn còn chèo xuồng kayak… làm ảnh hưởng rất lớn tới rạn san hô Hòn Chồng.
Xem nhanh 20h ngày 31.7: Tìm nguyên nhân sạt lở thảm khốc đèo Bảo Lộc | Nước thải ‘vây’ biển Nha Trang
"Mặc dù đây là các cống nước mưa nhưng không loại trừ việc các nhà hàng khách sạn đấu nối đường nước thải vào cống. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị là phải làm phương án thoát nước, thu gom nước thải, không để tình trạng như vậy, nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới rạn san hô Hòn Chồng", ông Thái cho biết.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lưu Thành Nhân, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang, cho hay đã giao Ban Quản lý dịch vụ công ích kiểm tra, xử lý các cống nước thải trên. Đồng thời giao các cơ quan, địa phương kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp tự ý xả thải vào hố ga hoặc đấu nối vào hệ thống cống thoát nước.
Bình luận (0)