Đồng Tháp tiềm năng và cơ hội đầu tư

11/10/2012 10:06 GMT+7

Đồng Tháp nơi có con sông Tiền, sông Hậu chảy qua, hiện là một trong những tỉnh đạt sản lượng lúa lớn nhất nước. Vùng đất này còn nổi tiếng bởi Tràm Chim, hoa kiểng, cây trái, cá tôm và nhất là những con người hào hiệp, thân thiện.

Vùng đất giàu tiềm năng

Với sản lượng lúa trên 3 triệu tấn/năm, Đồng Tháp đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Làng hoa kiểng Sa Đéc nổi tiếng bao đời rộng khoảng 300 ha, hằng năm tung ra thị trường hơn 12 triệu sản phẩm, thu về nhiều lợi nhuận cho người dân.

Đồng Tháp 
Khu công nghiệp ở Đồng Tháp đang mời gọi đầu tư - Ảnh: Công Hân

Trái cây Đồng Tháp  nức tiếng gần xa bởi quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, bưởi Phong Hòa... Vùng đất này còn có 7.490 ha mặt nước dành nuôi tôm, nuôi cá để mỗi năm thu về hàng trăm triệu USD. Với đường biên giáp Vương quốc Campuchia dài hơn 48 km cùng 7 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà), Đồng Tháp đang tập trung khai thác lợi thế kinh tế biên giới một cách bền vững, an toàn.

Chính nhờ 2 dòng sông Tiền, sông Hậu mà giao thông thủy ngày càng phát huy lợi thế tiềm tàng. Cảng Cao Lãnh, Cảng Sa Đéc hiện đã đủ sức đón tàu tải trọng 5.000 DWT đưa  hàng hóa ra biển Đông và sang cả nước bạn Campuchia. Trên bước đường công nghiệp hóa, Đồng Tháp cũng hoạch định đến năm 2020 sẽ hoàn chỉnh 7 khu công nghiệp tập trung và 32 cụm tuyến công nghiệp với tổng diện tích khoảng 4.626 ha.

Đồng Tháp không chỉ đi lên bằng nông nghiệp, công nghiệp mà nơi đây còn là vùng du lịch sinh thái vô cùng phong phú. Vườn quốc gia Tràm Chim sau khi được công nhận là khu Ramsar thứ tư tại Việt Nam, thứ 2.000 của thế giới đã tạo ra điểm nhấn đặc biệt hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

 Đồng Tháp
Lãnh đạo Đồng Tháp chứng kiến ký kết đầu tư - Ảnh: Tuấn Cường

Ngoài ra, ở Đồng Tháp còn có Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng rộng 2.000 ha toàn rừng tràm nguyên sinh, là nơi tập trung rất nhiều chim muông quý hiếm, thủy hải sản độc đáo của xứ Đồng Tháp Mười. Đồng Tháp cũng là nơi giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Mới đây, Di tích khảo cổ và kiến trúc Gò Tháp được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là minh chứng sinh động nhất cho vùng đất địa linh này.

Cơ hội đầu tư

Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhiều năm liền Đồng Tháp nằm trong tốp dẫn đầu quốc gia. Năm 2011 vừa qua PCI của Đồng Tháp xếp 4/63 tỉnh thành. Hệ thống các cơ quan hành chính của tỉnh cũng thuộc tốp dẫn đầu cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngoài nước. Được biết, giai đoạn 2012-2015 Đồng Tháp kêu gọi đầu tư vào 15 dự án trọng điểm (tổng mức đầu tư khoảng 2.870 tỉ đồng) thuộc các lĩnh vực thương mại-dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng-cụm công nghiệp, xây dựng…

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xác quyết khi đầu tư vào Đồng Tháp, doanh nghiệp sẽ được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để hưởng những ưu đãi về chính sách thuế, hỗ trợ tín dụng. Song song đó, tỉnh sẽ hoàn thành thủ tục sớm nhất, giúp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, đáp ứng mặt bằng nhanh nhất, điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực cho nhà đầu tư.

Còn theo ông Huỳnh Thế Phiên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại du lịch và đầu tư Đồng Tháp, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo tay nghề cho công nhân theo dự án được duyệt thông qua Trường, Trung tâm dạy nghề trong tỉnh… Các hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nêu trên được giải quyết nhanh khi doanh nghiệp thực hiện dự án trên địa bàn.

Còn nhớ tại buổi gặp gỡ báo chí thân tình hồi đầu năm 2012, ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã nhấn mạnh rằng tỉnh đang trải thảm mời gọi đầu tư trong ngoài nước với tinh thần thông thoáng, cởi mở, thân thiện, tuân thủ pháp luật. “Đồng Tháp quyết tâm thoát khỏi vùng trũng ốc đảo còn nhiều khó khăn để nhanh chóng vươn lên thành một cực thu hút đầu tư hấp dẫn tại vùng ĐBSCL trong tương lai không xa” - ông Tân nói.

Quang Minh Nhật – Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.