Đồng tiền mặn chát xứ người

13/12/2016 09:27 GMT+7

Tin một nữ lao động Việt Nam bị cướp đốt chết ở Angola khiến tôi rùng mình, sợ hãi. Nhưng, đó không phải là cái chết hiếm hoi của lao động Việt Nam nơi xứ người.

Ngày chúng tôi mang tiền bạn đọc ủng hộ đến trao cho người thân anh Nguyễn Huy Thắng (xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc bị đột tử qua đời, gia đình không có tiền mang xác về nước) mẹ anh Thắng, người phụ nữ ngoài 60 tuổi khóc ngất bên di ảnh con. Căn nhà xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, Hải Dương tiêu điều hơn trong tưởng tượng của chúng tôi. Vữa trát tường nham nhở, bên căn bếp nguội lạnh là bụi tre, tàu lá chuối khô xơ xác.
Bố anh Thắng buồn rầu kể: “Nhà cũ lắm rồi, xây từ năm 1980, bao nhiêu tiền tích cóp cho thằng Thắng đi nước ngoài cả, mong nó mang về xây cái nhà mới cho tươm tất. Ngờ đâu”. Vợ anh Thắng, chị Nguyễn Thị Lan hai tay ôm hai cậu con trai đang nước mắt ngắn dài đứng trước bàn thờ cha. Chúng còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất bố, chúng còn đang đòi bánh kẹo, đòi ô tô đồ chơi…
Mái nhà hoang sơ tiêu điều của chị Nguyễn Thị Lan sau khi bao nhiêu vốn liếng, tiền bạc trong nhà được gom lại, giúp chồng có thể đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc Thúy Hằng
Gia đình anh Nguyễn Huy Thắng từng phải vay mượn hơn 300 triệu đồng để anh được đi Hàn Quốc, với hi vọng đổi đời cho một gia đình trước đây chỉ biết trồng lúa, trồng hành. Vợ anh Thắng, một giáo viên dạy mầm non cũng nghỉ việc ở trường để đi học tiếng Hàn, mang ước mơ được đi xuất khẩu lao động cùng chồng.
Nhưng, tiền gửi về nhà có hơn 30 triệu đồng, thì bi kịch đến.
Anh Thắng chết đột ngột ở tuổi 33, chỉ sau một đêm đi ngủ và không bao giờ tỉnh lại. Anh Thắng không uống rượu bia, khám nghiệm pháp y cũng không tìm thấy vết thương trên cơ thể.
Ông Trần Duy Thắng (trú ở Hưng Yên), một lao động xuất khẩu 12 năm tại Incheon, Hàn Quốc, mới về Việt Nam hơn 1 năm nay lý giải với chúng tôi: Tại Hàn Quốc, đất nước cực kỳ giá lạnh, những lao động xứ người chưa thích nghi rất dễ bị đột tử. Để chống chọi với nhiệt độ xuống âm tại Hàn Quốc, những công nhân thường được bố trí sống trong những căn nhà làm bằng container kín mít phải dùng quạt sưởi, tuy nhiên, nếu không chú ý điều hòa không khí trong phòng, người nằm ngủ rất dễ bị ngộp thở.
Ông Trần Duy Thắng cũng bộc bạch, để có thu nhập hơn 1.000 đô la Mỹ/tháng tại Hàn Quốc là câu chuyện không đơn giản: Đó là mồ hôi, nước mắt, là máu. Ông Thắng làm đủ các công việc tại xứ Hàn, sửa chữa máy tính, cơ khí, gia công hộp đàn guitar...
Có một điều rất sòng phẳng là, tại Hàn Quốc, phải nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, quy định làm việc của các nhà xưởng, đúng giờ và phải cực kỳ chăm chỉ. Nếu như vậy sẽ được chi trả lương, tiền phụ cấp làm thêm giờ, bảo hiểm.
Nhiều người mong đợi xuất khẩu lao động để đổi đời. Nhưng không ít hoàn cảnh gặp phải trớ trêu khi người thân đột tử ở xứ người, không có tiền mang thi thể về nước. Trong ảnh là mái nhà của anh Nguyễn Huy Thắng, lao động Việt đột tử ở Hàn Quốc mới đây Ngọc Thắng
Kiếm được đồng tiền bằng bán sức lao động tại đất khách quê người không phải là điều đơn giản, người sang Hàn làm công nhân, người sang Đài Loan làm giúp việc, người đi Angola làm thuê. Bán mồ hôi, đôi khi cả mạng sống của mình như nạn nhân nữ ở Angola bị đốt chết, để đổi lấy đồng tiền, đổi thành cơm, áo, gạo, tiền cho người thân ở quê nhà cao hơn.
Nhưng, không phải ai ở quê nhà cũng sử dụng đồng tiền ấy đúng mục đích. Có những vùng quê ở Bắc Giang, Hải Dương, ở Quảng Bình nơi tôi đi qua, cả làng có phụ nữ đi làm thuê ở nước ngoài. Nhà cao tầng xây ngun ngút, nhưng đồ đạc ngổn ngang, bếp lâu ngày không đỏ lửa. Các con học hành chểnh mảng, bố uống rượu cả ngày, say cả trong những cơn say.
Đồng tiền xương máu, dù là ở quê hương hay ở xứ người nghiệt ngã…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.