Đồng vàng trên đất cao su

04/11/2021 11:35 GMT+7

Cuộc sống người dân vùng biên giới ở Gia Lai dẫu nhiều đổi thay song vẫn còn bao thiếu thốn.

Từ sáng kiến cho công nhân là người bản địa mượn hàng ngàn héc ta đất trồng lúa của Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đã giúp người dân vùng biên - nơi các đơn vị đóng quân thoát nghèo, có của ăn của để.

Lệ thường, khoảng tháng 10, khi những cơn gió nổi lên mang theo cái se lạnh của cao nguyên thì những cơn mưa cũng vừa dứt. Dã quỳ bắt đầu bung nụ, hoa vàng ánh mật ong, báo hiệu thời khắc đẹp nhất trong năm của cao nguyên. Ngoài đồng xa, ánh mắt người dân lấp lánh niềm vui đón mùa vàng lúa chín. Niềm vui như lan tràn nơi miền biên giới trong mùa gặt.

Niềm vui trên những đồng vàng

Dưới hàng ngàn héc ta cao su tái canh xanh tốt của Binh đoàn 15 là bạt ngàn lúa. Đó là giống lúa cạn của người bản địa được đưa vào canh tác ở những diện tích cao su mới trồng những năm đầu.

Chị Rơ Mah Tiến (28 tuổi, người làng Nẻ, xã Ia Din, H.Đức Cơ) kể: “Vợ chồng mình và ba đứa con nhiều năm trước cứ quẩn quanh trong cơn thiếu đói mùa giáp hạt. Nghĩ đến cảnh nhà không có gạo ăn là thấy lo rồi. May sao được Công ty 75 - Binh đoàn 15 nhận vào làm công nhân. Lương và các chế độ khác được đảm bảo nên cuộc sống của vợ chồng mình bớt khốn khó. Làm ở đây mình còn học hỏi được nhiều thứ để phát triển kinh tế gia đình; được công ty tạo điều kiện cho mượn đất từ năm 2017 để trồng thêm 2 ha lúa. Tiền lương tiết kiệm lại nên mình đã xây được nhà rồi”.

Cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 cùng đồng bào thu hoạch lúa nương

TRẦN HIẾU

Đây là sáng kiến của lãnh đạo Binh đoàn 15 trong nỗ lực giúp người dân bản địa vùng biên, nơi địa bàn các đơn vị đóng quân. Những bộ phận chuyên môn của đơn vị đã tổ chức tập huấn giúp dân kỹ thuật canh tác. Trước đây, lúa cạn (trồng trên đất rẫy) của người bản địa có năng suất thấp, chừng vài tạ/ha, vì chỉ được trồng lên rồi… để đó cho đến ngày thu hoạch. Mùa nào lúa bị sâu bệnh nhiều thì phần lớn thất thu. Vì vậy, nhiều gia đình bản địa rất khó khăn, thiếu thốn mùa giáp hạt.

Những năm gần đây, khi lúa được đưa vào trồng trong diện tích cao su mới, người dân đã biết bón phân, làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh nên cây lúa phát triển tốt, ngay từ vụ đầu tiên năng suất đạt 1,2 - 1,5 tấn/ha đã giúp bà con bản địa thoát khỏi nỗi lo thiếu lương thực. Nhìn những ruộng lúa cạn chín vàng với hạt căng mẩy, ai cũng lấp lánh niềm vui.

Ông Rơmah Loan, một người dân xã Ia Din (H.Đức Cơ), vui mừng: “Nhờ Binh đoàn 15 mà con cháu mình được nhận vào làm công nhân. Có những lúc cao su rớt giá nhưng lương đều ổn định. Mấy đứa lại được cho mượn đất làm lúa, được hỗ trợ giống, rồi còn được cán bộ chỉ bảo thêm nên năng suất tốt lắm, đủ ăn cả năm. Đứa nào cũng dư lúa, đem bán bớt lấy tiền lo cho chuyện học hành của con cái, sắm sửa thêm nhiều thứ trong nhà”.

Đại tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75 (Binh đoàn 15), cho biết đơn vị làm kinh tế gắn với nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng nơi biên giới, đóng quân trên địa bàn 6 xã, thị trấn từ nhiều năm qua, hiện đang quản lý và chăm sóc phát triển hàng ngàn héc ta cao su. Công nhân cạo mủ có nhiều người bản địa ở các thôn làng của H.Đức Cơ.

“Ngày trước, cuộc sống người dân các xã khó khăn vì thiếu đất sản xuất, thiếu trình độ canh tác. Bộ đội đã rất trăn trở để tìm phương kế sinh nhai cho người dân. Sau đó, mọi người nhất trí chọn loại lúa nương trên cạn để trồng xen canh trong các lô cao su. Giải pháp này tranh thủ được diện tích đất rất lớn, vừa mang lại sinh kế, thu nhập cho người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện công ty đã cho người dân mượn

600 ha đất trồng cao su để người dân trồng lúa nương xen canh”, ông Tâm nói.

Giữ vững phên dậu tổ quốc

Binh đoàn 15 hiện đứng chân trên 271 thôn, làng thuộc 37 xã, 9 huyện, thành phố của 4 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định)... Địa bàn chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới (có 251 km đường biên giới giáp Campuchia và Lào), với hơn 40 dân tộc và 10 tôn giáo cùng sinh sống. Khu vực đơn vị đóng quân có thời tiết khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng, kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp. Phương thức sản xuất của bà con bản địa còn lạc hậu. Quán triệt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 luôn xác định thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương là cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của binh đoàn. Đặc biệt, người dân bản địa nơi vùng biên bao đời nay luôn bám trụ kiên cường, góp phần cho biên giới yên bình. Họ là tai mắt của các đơn vị chức năng trong việc phát hiện các đối tượng buôn lậu, nhập cảnh trái phép… Bao năm qua biên giới luôn được giữ vững, ổn định, có công không nhỏ của cộng đồng bản địa. Bởi vậy, cùng với chính quyền, các cơ quan chức năng giúp đỡ họ cũng chính là biểu hiện của sự tri ân, quân dân vững bền.

Công ty 75 - Binh đoàn 15 đã cho người dân bản địa mượn 600 ha đất trồng lúa nương

Giai đoạn 2001 - 2020, Binh đoàn 15 đã huy động hàng trăm ngàn ngày công, khai hoang, phục hóa, giúp dân làm cỏ, phun thuốc, cấy hơn 1.000 ha lúa nước. Bộ phận chuyên môn đã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây nông nghiệp và công nghiệp, hỗ trợ hàng chục tỉ đồng mua cây giống, vật nuôi, giúp vốn cho bà con đồng bào phát triển sản xuất. Đặc biệt, Binh đoàn 15 đã tạo điều kiện cho bà con đồng bào bản địa mượn diện tích đất trồng cao su năm thứ nhất, thứ hai và năm thứ ba để canh tác hoa màu, cây ngắn ngày như lúa, đậu... với hơn 6.500 ha.

Đến nay các đội sản xuất của Binh đoàn 15 đã kết nghĩa với 271 thôn, làng trên địa bàn đứng chân, hoạt động “Gắn kết hộ” được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể và bước đi thích hợp. Từ 30 cặp hộ gắn kết ban đầu, hiện nay Binh đoàn 15 đã có gần 4.000 cặp hộ gắn kết. Kết quả triển khai hoạt động “Gắn kết hộ” từ năm 2004 đến nay đã đem lại những kết quả to lớn, thiết thực trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... và có thể khẳng định hoạt động “Gắn kết hộ” là sự vận dụng sáng tạo, làm phong phú thêm những hình thức dân vận mới.

Theo đó, các hộ gắn kết không chỉ giúp nhau trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mà còn giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, nhiều gia đình công nhân người bản địa đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu xây dựng thôn, làng, địa phương ngày càng phát triển. Đó là một trong những cơ sở để xây dựng thế trận lòng dân, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành “phên dậu” vững chắc của Tổ quốc trên khu vực biên giới Tây nguyên.

Đại tá Lê Xuân Phương, Phó tư lệnh Binh đoàn 15, chia sẻ: “Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc hướng dẫn cho người dân tăng cường trồng diện tích lúa giữa lô cao su. Đây là một mô hình tốt, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Vừa ổn định đời sống cũng là để ổn định tình hình an ninh trật tự, kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng biên giới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.