Hiện nay, không ít người trẻ chia tay xong họ thường đau khổ, dằn vặt nhau thậm chí là ghét, nói xấu người yêu cũ. Gần đây đã xảy ra câu chuyện đáng buồn khi sẵn sàng phóng hỏa đốt nhân tình vì đối phương có tình yêu mới và không còn yêu mình nữa. Thực tế, cũng có những bạn chọn “hòa bình” khi chia tay, tuy nhiên để làm được điều này có khó không?
Một số người trẻ chọn "hòa bình" khi chia tay nhau |
TẤN ĐẠT |
Từng có ý định trả đũa, đi nói xấu để hạ bệ người yêu cũ
Hơn 6 năm về trước, chị Nguyễn Thị Xuân (32 tuổi, ở số 420A Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh,TP.HCM) đã từng đắm chìm trong hạnh phúc với người mình thương. Tuy nhiên hai người đã tan vỡ khi chị phát hiện anh người yêu có tình cảm trên mức bình thường với người khác, thậm chí là đã có con.
Sau sự cố, chị Xuân chịu tổn thương rất nhiều. "Bản thân mình đã mất hơn 1 năm để cân bằng lại cuộc sống. Khi ai hỏi về câu chuyện tình cảm của bản thân, tôi hay khóc vì nó như là một nhát dao đâm thẳng vào tim tôi", chị Xuân chia sẻ.
Chị Xuân không muốn níu kéo những gì không thuộc về mình |
NVCC |
Tuy nhiên, chị Xuân thừa nhận: “Tôi đã từng có ý định trả đũa, đi nói xấu để hạ bệ người đó nhưng tôi nhận ra làm việc ấy cũng chẳng có lợi ích gì cho mình".
Theo chị Xuân, việc chia tay trong hòa bình khó hay không phụ thuộc vào suy nghĩ, quan điểm và tình cảm của mỗi người. Cái quan trọng là chúng ta đối xử với nhau văn minh để cho họ biết là không có họ mình vẫn sống tốt và hạnh phúc.
"Níu kéo cũng chỉ làm bản thân khổ thêm. Chia tay không phải là hết yêu mà chỉ là chúng ta bắt đầu cuộc sống mới tốt hơn. Chắc chắn bạn sẽ mạnh mẽ, độc lập, bản lĩnh thêm. Và đặc biệt sẽ thấy yêu bản thân mình hơn, trưởng thành hơn và sẽ có cái nhìn sâu sắc về tình yêu", chị Xuân tâm sự.
Khi nhắc lại vụ ly hôn cách đây 5 năm của mình, chị Nguyễn Thị Ngọc Thơ (32 tuổi, làm nhân viên văn phòng tại số 182 Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM) vẫn không quên được dù bản thân chọn cách “hòa bình” với chồng cũ. Hiện tại, chị Thơ đang nuôi con và cố gắng hoàn thành sứ mệnh của một người mẹ.
Người phụ nữ 32 tuổi chia sẻ, thời gian đầu chị phải đấu tranh tâm lý và trải qua rất nhiều khó khăn mới chấp nhận được sự việc.
Một số người trẻ nhận ra rằng nếu mình cứ ôm nỗi buồn cũng không làm cho bản thân khá hơn |
NVCC |
Chị Thơ nói: “Mình muốn "hòa bình" nhưng đối phương không chịu thì sao. Họ đã tìm nhiều cách để lăng mạ, chà đạp tôi. Bản thân đã từng hụt hẫng, hận, bởi những lời xúc phạm của gia đình chồng trước khi ly hôn. Do đó, việc "hòa bình" sau khi chia tay lại càng khó khăn hơn, tôi phải mất hơn 1 năm để nhìn lại tất cả những gì đã trải qua và xảy ra".
Không ít người trẻ bị tổn thương sau khi chia tay |
TẤn ĐẠT |
Sau biến cố hôn nhân, chị Thơ nhận ra rằng: “Nếu mình cứ ôm nỗi buồn cũng không làm cho bản thân khá hơn nên đã gạt bỏ hết hận thù. Mỗi ngày, bản thân tìm niềm vui trong công việc bên bạn bè, gia đình và con cái hay làm những việc có ích cho xã hội. Tuy nhiên, với tôi khi đã bị tổn thương thì dù thời gian có xóa nhòa đi tất cả nhưng vẫn để lại một vết sẹo khó phai trong lòng".
Đừng dành cho nhau những gì tổn thương không đáng có
Tháng 7.2018, sau khi phát hiện vợ mình có nhân tình, anh L.N.G.K (35 tuổi, ngụ tại Q.12, TP.HCM) lập tức ly hôn và giành quyền nuôi con. Mạnh mẽ là vậy, nhưng ẩn sâu trong nỗi lòng là biết bao đau đớn, buồn bã bởi sự tổn thương trong tình yêu.
Thời gian đầu ly hôn, cuộc sống của người đàn ông 35 tuổi bị rối tung mọi thứ, từ công việc ở cơ quan đến chuyện chăm lo, đưa đón con đi học. “Lúc ký vào đơn ly hôn tôi đã từng hận thù rất nhiều, bản thân đã từng nghĩ sẽ không bao giờ gặp mặt cô ta. Thế nhưng, sau vài tháng tôi đã suy xét và xem những năm tháng vừa qua là một ký ức, dù gì bản thân cũng từng hạnh phúc".
Thỉnh thoảng, anh K. hay cùng với vợ cũ đưa con đi vui chơi. Một số người thân, bạn bè từng thắc mắc “chắc tụi nó quay lại với nhau”, nhưng anh K. cho hay: “Tôi muốn chia tay trong "hòa bình" để các con có tuổi thơ an yên và ngập tràn hạnh phúc. Dù các con không có một gia đình trọn vẹn nhưng chúng vẫn cảm nhận được tình thương yêu của cả bố và mẹ”, anh K tâm sự.
Là người từng trò chuyện với những ông bố, bà mẹ đã ly hôn, thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi, giảng Viên Trung tâm Glink Academy (TP.HCM) cho rằng: "Đa số sự gắn kết bền lâu của một cặp đôi xuất phát từ tình yêu. Họ đến với nhau bằng sự chớm nở và ra đi vì sự phai tàn. Nếu hai người trong cuộc nhẹ nhàng rời khỏi nhau thì những hệ luỵ khó mà có đất nảy nở. Thế nhưng trong thực tế, hòa bình không chiếm số đông sau các cuộc chia tay, nhất là những cặp đôi có con chung".
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi, giảng Viên Trung tâm Glink Academy (TP.HCM) |
NVCC |
Thạc sĩ Khánh Chi cho rằng lòng tự trọng đôi khi đánh tráo bằng cái tôi ích kỷ. Một hoặc cả hai người không chọn giải pháp "hòa bình", họ sẵn sàng quên đi khoảng thời gian đẹp nhất đã dành tặng cho nhau, hay mặc kệ tổn thương của đối phương, của chính mình, thậm chí của những đứa con.
"Trước khi thực sự chấm dứt kết nối, hai người cần cho mình và gia đình quen dần với sự thay đổi. Việc thích nghi sẽ giảm được các cú sốc không đáng có, nhất là đối với trẻ nhỏ dễ bị tổn thương. Đồng thời, mỗi người cần hạ cái tôi xuống để ngồi lại thống nhất mọi việc sẽ làm sắp tới. Chẳng hạn nhà chung đang thuê, chỗ làm sát gần nhau, tiền nợ chung của cả hai hoặc đơn giản là việc đưa đón con sau này... Còn khi đã chính thức chia tay, cần tôn trọng cơ hội của riêng mỗi người", thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi cho lời khuyên.
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi cho rằng không nên dành cho nhau những tổn thương không đáng có |
NVCC |
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi cũng cho rằng: "Ai cũng cần được sống tiếp một cách hạnh phúc, vì vậy đừng dành cho nhau những gì tổn thương không đáng có sau chia tay. Thay vì chỉ trích, hận thù, trút giận lên người thân quen hoặc nói xấu người yêu cũ lên mạng xã hội... thì chúng ta có thể văn minh hơn trong cách hành xử. Tôn trọng, tha thứ, tạo điều kiện để hai bên cùng tiến bộ, cho nhau khoảng trời tự do để học cách yêu bản thân nhiều hơn, bởi tình yêu đẹp chỉ tìm đến một lần nữa với những người có trái tim yêu thương".
Bình luận