Cần đấu tranh chống các tin đồn thất thiệt trên mạng |
TẤN ĐẠT |
Rơi vào trạng thái stress kinh hoàng và không dám tiếp xúc với ai
Nam Vlog Huy Cung, 27 tuổi (Hà Nội) từng chia sẻ với người hâm mộ rằng bản thân bị nhiều hệ lụy sau những tin đồn “bay lắc” trên mạng xã hội. "Ngay khi tin “vịt” đó xuất hiện, 5 nhãn hàng đã hủy hợp đồng vì tôi không thể nào giải trình được nguồn tin đó và nó đã bị lây lan, dư luận xấu nhiều nên họ phải hủy. Với tôi, đó là ngày tôi bị bôi nhọ, thêu dệt đời tư và hủy hoại sự nghiệp", Huy nói.
Theo thạc sĩ Đinh Văn Thịnh, Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục trải nghiệm và đào tạo kỹ năng Angel (TP.HCM) cho hay: “Hiện nay, tốc độ thông tin được lan truyền trên mạng xã hội nhanh chóng, việc người trẻ đăng tin đồn và không có kiểm chứng, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Nạn nhân của việc tung tin đồn không đúng bị bôi nhọ nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng đến tâm lý”.
Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh trong buổi chia sẻ về cách ứng xử văn hóa trên mạng |
NVcc |
Đầu tháng 10 vừa qua, N.T.M.T, sinh viên Trường ĐH Kinh tế (TP.HCM) đăng bức “tâm thư” trên trang cá nhân của mình để minh oan cho bản thân không có “làm gái bao, cặp đại gia…”.
T. tâm sự với người viết: “Ngoài việc bị sốc, tôi tìm mọi cách để đính chính và bảo vệ mình. Tôi rơi vào trạng thái stress kinh hoàng, rất tự ti và không dám tiếp xúc với ai. Những lúc đến trường, bản thân luôn có cảm giác mọi người xầm xì về mình, không gian rất nặng nề”, T. nói.
Cách đây vài năm, Thanh Niên đã từng đưa tin L. nữ sinh vừa học hết lớp 12 ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội) phải uống thuốc tự tử vì bị bạn của mình tung tin đồn không đúng lên mạng xã hội.
Trong di thư, L. để lại mấy dòng chữ: “Thằng H. nó lấy ảnh cháu về nó đi ghép linh tinh, cháu bảo nó bỏ mà nó không bỏ. Nó bảo nó đăng lên Facebook của tụi con trai trong lớp. Thằng Đ. thấy thế đăng lên Facebook để cả lớp xem được. Cháu bực mình gây sự, thế là cả lớp thích chí càng trêu hơn. Cháu dọa là cháu sẽ chết vì bức ảnh đó nhưng bọn nó bảo cháu chết luôn đi cho bọn nó ăn mừng. Thế là cháu làm liều”.
Chuyên gia giáo dục, thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi, giảng Viên Trung tâm Glink Academy (TP.HCM) chia sẻ tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội là hành vi làm tổn thương người khác hay còn gọi là bắt nạt qua mạng. Nạn nhân sẽ nhận hậu quả lớn nhỏ khác nhau tùy vào tính chất vụ việc và khả năng chịu đựng của mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ khi bản lĩnh sống còn đang hoàn thiện.
Chuyên gia giáo dục, thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi, giảng viên Trung tâm Glink Academy |
NVCC |
“Trước lời nói sai sự thật về bản thân, nhiều bạn trẻ sẽ cảm thấy hoang mang, lo âu, thậm chí hoài nghi vào niềm tin của người khác. Có nhiều trường hợp vì tin đồn cá nhân lan rộng, một số bạn rơi vào trạng thái trầm cảm, dẫn đến làm đau hoặc hủy hoại bản thân và tìm đến chết. Nỗi đau từ việc thông tin cá nhân bị đem ra làm đề tài bàn tán trên mạng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết”, thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi nói thêm.
Người trẻ đối mặt với nhiều hệ lụy khi có nhiều thông tin không đúng về bản thân |
TẤN ĐẠT |
Gây hoang mang, tâm lý bất ổn, hoảng loạn
Trong khi đó, một số người trẻ không ít lần bị phạt hàng triệu đồng khi tung tin thất thiệt trên mạng xã hội để câu ‘like’. Đầu tháng 11, trả lời với báo Thanh Niên, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết thời gian qua lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện gần 400 trang mạng, tài khoản mạng xã hội (trên nền tảng Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok, Instagram…) giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của lực lượng công an nhân dân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Phạm Thanh Tuấn, thạc sĩ chính trị học, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, cho hay vấn nạn tung tin đồn trên mạng xã hội nhận được sự quan tâm lớn từ mọi người, bởi lẽ nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài sản, thậm chí là tính mạng của người vướng phải các tin đồn đó.
“Việc tung tin đồn sai gây ra nhiều vấn đề tranh luận, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội”, thạc sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Thạc sĩ Tuấn còn cho hay vấn nạn trên nói lên sự xuống cấp đạo đức của một số đối tượng thiếu ý thức, cũng như quan ngại về việc sụp đổ niềm tin của cộng đồng trước những thông tin được cập nhật trên mạng xã hội.
“Người hay tung tin đồn vô hình trung luôn bị sự dè dặt từ phía mọi người xung quanh. Đồng thời, đối tượng này sẽ gặp khó khăn trong quá trình làm việc cũng như sự nghiệp trong tương lai khó thành công. Người phát tán thông tin sai sự thật là vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm pháp lý, tùy vào mức độ sai phạm. Ngoài ra họ còn phải đối diện với dư luận xã hội khi thông tin từng đưa ra hoàn toàn không đúng sự thật”, thạc sĩ Tuấn nói.
Ông Phạm Thanh Tuấn, thạc sĩ chính trị học, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam |
TẤN ĐẠT |
Còn chuyên gia giáo dục, thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi cho rằng: “Người tung tin đồn không đúng cũng là nạn nhân của mạng xã hội khi sự tự do kết hợp với việc giấu mặt đã trở thành trợ thủ đắc lực cho quyền phán xét người khác. Họ ảo tưởng về quyền lực, hả hê trước nỗi đau của người khác, hoặc đơn giản là vì họ thích được viết ra những câu chữ mà khi ở đời sống thực, họ không dám. Dần dần họ đánh mất con người thật của chính mình, thậm chí sự mù quáng sẽ thay chỗ cho lòng trắc ẩn của tình yêu thương”.
Bình luận (0)