Thành phố dưới lòng đất
|
|
Đưa chúng tôi ra công trường, anh Phạm Quốc Hưng, nhân viên Văn phòng Công ty CP than Hà Lầm - TKV, cho biết: “Chỗ này cao 75 m so với mực nước biển, nhưng chỗ chúng ta sắp xuống sẽ ở dưới mặt nước biển 300 m”. Theo anh Hưng, đúng ngày 3.2.2009, công ty khởi công mở cửa lò, bằng 3 giếng đứng ở độ sâu 300 m để tải than, đưa gió trời xuống lòng đất. Ngày 12.11.2009, thợ mỏ Hà Lầm đã đặt chân xuống dưới độ sâu 300 m. Mỏ Hà Lầm là đơn vị có khai trường sâu nhất VN.
Trước khi xuống lò, chúng tôi phải đi ủng, đội mũ bảo hộ, đeo đèn chống nổ trên đầu và chiếc bình ô xy cứu hộ. Anh Nguyễn Văn Bình, cán bộ an toàn, cho biết: “Chiếc bình trông xấu xí và chỉ dùng 1 lần, nhưng rất cần khi gặp sự cố đấy. Chúng tôi nhập nó từ Ba Lan, giá khoảng 1 triệu đồng. Khi có sự cố hoặc xuất hiện khí độc thì giật nắp bình là sẽ có không khí sạch để thở trong vòng 90 - 120 phút”. Trong bộ quần áo xanh thợ lò, chúng tôi háo hức “tiến quân vào lò” như lời một bài hát của thợ mỏ. Tuy nhiên, trước khi vào lò, kiểm soát viên đọc tên từng người và kiểm tra tư trang xem có mang gì khác không. Và chúng tôi đọc thấy các khẩu hiệu an toàn treo chi chít: “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, “Hãy nghĩ về gia đình trước khi làm việc”...
|
Lần đầu xuống lò khiến chúng tôi hơi lo. Sau khi 2 chiếc rèm sắt đóng sập lại, chiếc thùng sắt mà dân trong nghề gọi là “thùng skip” từ từ hạ xuống, đưa khoảng 10 người xuống độ sâu 300 m. Hai bên tai bắt đầu ù xen lẫn cảm giác hồi hộp như lần đầu đi máy bay, ánh sáng trên mặt đất tắt dần, chỉ còn le lói ánh điện từ chiếc đèn lò. Sau khoảng 3 phút, chúng tôi đến độ sâu 300 m. Anh Phạm Quốc Hưng nói to: “Chào mừng các anh đến thành phố dưới lòng đất”. Bước ra khỏi chiếc “thùng skip”, chúng tôi choáng ngợp khi xung quanh là một đường hầm sáng choang ánh đèn, không gian thoáng, rộng và sâu hun hút.
Ngay tại “sân ga”, một không khí lao động nhộn nhịp hiện ra. Theo chân anh em công nhân, chúng tôi tiến vào sâu bên trong dọc theo đường ray xe goòng chất đầy than cục phản chiếu ánh sáng lấp lánh. Đi cạnh chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Thái, một công nhân lò, trò chuyện: “Trong này ngày cũng như đêm, dưới này chỉ có anh em công nhân lò, thi thoảng gặp vài chú chuột lạc theo cửa lò xuống”.
tin liên quan
Giải cơn khát dưới lò sâuBa cây số là quãng đường cả đi lẫn về mà một thợ lò phải đi từ vị trí sản xuất dưới lò sâu lên đến nơi đặt nước uống tại cửa lò. Trước khi sáng kiến của Đoàn Quang Chiến, một thanh niên thợ lò của Công ty than Hạ Long, Quảng Ninh được áp dụng, rất nhiều năm liền, nhiều thợ mỏ đã phải giải cơn khát bằng... nước lò.
“Làm việc dưới âm phủ”
Đi bộ khoảng 200 m, chúng tôi được lên 1 chiếc xe như toa tàu hỏa để đi tiếp khoảng 2 km rồi leo dốc khoảng 2 km, có đoạn phải cúi khom người mới đến được khu vực đang khai thác với khoảng 20 công nhân đang làm việc. Tại đây, anh Nguyễn Văn Bắc, Quản đốc phân xưởng khai thác 5, cho biết để khai thác than, có đến 4 công đoạn nối tiếp phụ thuộc lẫn nhau là khoan, nổ mìn, bốc xúc đất đá và đổ bê tông thành giếng. Khoan là công việc vất vả nhất, gặp địa chất phức tạp sẽ phải làm cả ngày mới xong. “Hôm nay, các anh xuống đây chưa gặp giờ làm việc của kíp nổ mìn, nếu không bụi than sẽ bay mịt mù và phải chờ kiểm tra 2 - 3 tiếng nữa mới được ra khỏi khu vực”, anh Bắc cho biết.
Anh Nguyễn Văn Hiển (quê ở H.Đông Hưng, Thái Bình) có hơn 15 năm trong nghề chia sẻ: “Chúng tôi gọi vui, đây là làm việc dưới âm phủ. Tuy có vất vả, nguy hiểm nhưng công tác an toàn đã được cơ giới hóa rất nhiều nên chúng tôi cũng yên tâm”. Anh Hiển cho biết, công nhân bậc 6/6 như anh nếu làm đủ công sẽ có thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng.
Đến gương than cuối cùng, ở độ sâu hơn 300 m, nơi không khí đã có phần ngột ngạt, chúng tôi thấy một nhóm thợ 20 người đang vận hành máy khấu than (máy đào than). Thấy chúng tôi, tất cả họ đều cười, mặt ai cũng lấm lem như diễn viên tuồng hóa trang, chỉ lộ ra hàm răng trắng. Anh Phạm Quốc Hưng giới thiệu một công nhân: “Đây là anh Nguyễn Trọng Thái, công nhân “vàng” của mỏ chúng tôi, người đã 23 năm làm việc dưới lòng đất và giành nhiều giải thưởng, danh hiệu của Tổng công ty than và khoáng sản VN - TKV”. Anh Thái cũng là một trong những người đầu tiên đặt dấu chân xuống độ sâu 300 m dưới lòng đất tại giếng lò này.
Anh Thái nói: “Chúng tôi đang sống ở một “thế giới ngầm” đúng theo nghĩa đen. Nó khác biệt hoàn toàn so với trên mặt đất. Chúng tôi làm việc đủ 3 ca mà không cần ánh sáng mặt trời, chỉ có ánh đèn lò. Vì thế, dù sức khỏe tốt đến bao nhiêu, kỹ thuật giỏi đến đâu thì cũng phải tuyệt đối tuân thủ kỷ luật để đảm bảo an toàn. Nếu làm ẩu, sai một bước sẽ xảy ra tai nạn lao động ngay”.
Anh Thái chia sẻ, gặp những vỉa đá lớn sẽ phải nổ mìn làm đường lò, mỗi lần nổ khoảng 6 kg thuốc nổ, thời gian chuẩn bị từ 3 - 4 giờ. Khi nào đến vỉa than, các kỹ sư sẽ lắp đặt máy khấu than (máy đào) rồi một nhóm thợ khoảng 10 người sẽ xúc than lên băng tải đưa lên mặt đất.
Nhìn các nhóm thợ đang miệt mài làm việc, chúng tôi hỏi những câu chuyện “bếp núc” của nghề thợ lò và được anh Lương Xuân Hiền nói như hét vào tai trong tiếng máy móc đinh tai: “Dưới này không có nhà vệ sinh nên phải tập “nhịn”. Trước khi xuống lò cũng phải giải quyết, sau đó mới “nhịn”, lâu dần thành quen nên khi về nhà, trước khi đi đâu, làm gì thợ lò cũng… đi vệ sinh là từ thói quen ấy”.
Sau gần 3 giờ chứng kiến sự vất vả của công nhân lò, chúng tôi ngược hầm lò theo “thùng skip” để trở lại “dương gian” và được phát suất ăn theo đúng chế độ ăn ca của công nhân khai thác than, với cặp bánh mì đặc ruột, sữa tươi, sữa hoa quả và được tắm bằng nước nóng trước khi ra về. Tạm biệt hầm lò sâu 300 m, trong lòng đất với nhiều cảm xúc, cái đọng lại trong chúng tôi là sự cảm phục về tinh thần lao động của những người công nhân đang ngày đêm khai thác “vàng đen” cho Tổ quốc...
Bình luận (0)