Bằng cách gắn protein sốt rét vào những tế bào ung thư, các chuyên gia chứng kiến các khối u có thể bị khoan thủng và hủy diệt. Phương pháp này được dự đoán có hiệu quả tiêu diệt hơn 90% số loại ung thư.
Ảnh chỉ có tính minh họa - Ảnh: AFP |
Với sự hỗ trợ của Đại học British Columbia (Canada), các chuyên gia của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã tình cờ phát hiện một phương pháp chữa trị ung thư đầy tiềm năng từ vắc xin chống sốt rét dành cho phụ nữ có thai.
Theo tờ Independent UK, các nhà nghiên cứu Đan Mạch đang tìm cách bảo vệ thai phụ trước căn bệnh sốt rét, vốn có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng do ký sinh trùng tấn công nhau thai. Đồng thời họ cũng phát hiện các protein sốt rét có thể đánh phá ung thư, hứa hẹn có thể tiến tới trị liệu hoàn toàn căn bệnh chết người.
Trong báo cáo đăng trên chuyên san Cancer Cell, nhà nghiên cứu bệnh sốt rét Ali Salanti của Đại học Copenhagen và chuyên gia ung thư Mads Daugaard của Đại học British Columbia lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm ở người trong vòng 4 năm nữa.
Quyết định này đã được đưa ra sau khi kết quả nghiên cứu của họ cho thấy chất carbohydrate mà ký sinh trùng sốt rét tự bám vào nhau thai của thai phụ cũng tương tự như carbohydrate trong các tế bào ung thư. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, các chuyên gia tạo ra một dạng protein được ký sinh trùng sốt rét sử dụng để bám vào nhau thai và bổ sung thêm một dạng độc tố. Tổ hợp protein sốt rét và độc tố cắm rễ vào các tế bào ung thư, trước khi bị khối u ác tính nuốt chửng. Khi vào bên trong, độc tố được phóng thích, kích hoạt quá trình tự hủy của tế bào ung thư.
Chuyên gia Salanti cho hay carbohydrate khiến nhau thai và các tế bào ung thư tăng trưởng nhanh hơn, nên việc sử dụng vắc xin cũng giống như hành động giết chết vi rút từ trong trứng nước. “Nhau thai là một dạng cơ quan, chỉ mất vài tháng để tăng trưởng từ vài tế bào ban đầu thành một bộ phận với trọng lượng gần 1 kg, và nó cung cấp oxygen cũng như dưỡng chất cho bào thai trong một môi trường gần như ngoại lai. Các khối u cũng hành động tương tự, chúng tăng trưởng dữ dội trong một môi trường như vậy”, theo chuyên gia Ali Salanti.
Quá trình trên đã được kiểm chứng đối với trường hợp tế bào và trên chuột mắc ung thư. Trong trường hợp kiểm tra trên mẫu tế bào, các chuyên gia đã tiến hành trên hàng ngàn mẫu, từ u não đến bệnh bạch cầu, và kết quả cho thấy sự kết hợp giữa protein và độc tố đủ sức tấn công hơn 90% trong số toàn bộ dạng ung thư.
Khi thí nghiệm trên chuột, các con vật được cấy 3 dạng khác nhau của ung thư ở người. Kết quả cho thấy biện pháp này giảm kích thước khối u lympho ác tính không Hodgkin còn khoảng 1/4 so với ban đầu, loại bỏ hoàn toàn ung thư tuyến tiền liệt ở 2 trong số 6 chuột thí nghiệm, và duy trì sự sống cho 5 trong số 6 chuột mắc ung thư di căn xương.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu cơ chế diệt ung thư cũng diễn ra ở người hay không, và cơ thể người có thể chịu đựng những liều vắc xin cần thiết để loại bỏ ung thư mà không xảy ra bất cứ phản ứng phụ nào. Về vấn đề này, chuyên gia Salanti cho rằng “khá lạc quan”.
Bình luận (0)