Đột phá: Tạo ra thận nhân tạo giúp bệnh nhân thoát nỗi ám ảnh chạy thận

Thiên Lan
Thiên Lan
10/09/2023 11:12 GMT+7

Trong nghiên cứu mới đột phá, được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra thận nhân tạo có thể giúp bệnh nhân suy thận thoát khỏi nhu cầu lọc máu mệt mỏi.

Các nhà nghiên cứu đã phát triển một thiết bị có thể được ghép vào cơ thể người bệnh để tái tạo chức năng thận.

Bước đầu thử nghiệm thành công trên lợn, thiết bị này không gây ra phản ứng thải ghép - trở ngại lớn nhất thường gặp khi cấy ghép nội tạng.

Phát minh này không chỉ có thể giúp bệnh nhân suy thận chấm dứt việc chạy thận, mà không cần phải uống thuốc chống thải ghép sau khi ghép thận, theo tạp chí nghiên cứu Study Finds.

Đột phá điều trị suy thận: Ghép thận nhân tạo chấm dứt nỗi ám ảnh chạy thận - Ảnh 1.

Các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra thận nhân tạo có thể giúp bệnh nhân suy thận thoát khỏi nhu cầu lọc máu mệt mỏi

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học California-San Francisco (UCSF, Mỹ) đã tìm cách ghép các tế bào thận với một thiết bị sinh học. Cũng giống như máy tạo nhịp tim, những tế bào này sẽ hoạt động mà không gây ra phản ứng thải ghép.

Tiến sĩ Shuvo Roy, giáo sư kỹ thuật sinh học tại UCSF, cho biết: Chúng tôi tập trung vào việc tái tạo một cách an toàn các chức năng chính của thận. Thận nhân tạo sinh học sẽ giúp việc điều trị bệnh thận hiệu quả hơn, dễ chịu và thoải mái hơn nhiều.

Các tác giả nghiên cứu nhằm mục đích phát triển một thiết bị có thể sử dụng cho con người nhằm cải thiện các kỹ thuật lọc máu hiện có.

Đột phá điều trị suy thận: Ghép thận nhân tạo chấm dứt nỗi ám ảnh chạy thận - Ảnh 2.

Thận nhân tạo sinh học sẽ giúp việc điều trị bệnh thận hiệu quả hơn, dễ chịu và thoải mái hơn nhiều

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Nhóm nghiên cứu đã thiết kế thiết bị sinh học để kết nối trực tiếp với mạch máu và tĩnh mạch của người bệnh, cho phép chất dinh dưỡng và oxy đi qua tương tự như khi lọc máu. Màng silicon bên trong thiết bị sinh học bảo vệ tế bào thận khỏi bị hệ thống miễn dịch của người nhận tấn công.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi cả tế bào thận đã cấy ghép và đối tượng nhận trong 7 ngày sau khi cấy ghép và nhận thấy cả hai đều hoạt động tốt.

Tiến sĩ Roy cho biết thêm: Điều cần thiết là thiết bị sinh học này sẽ không cần đến thuốc chống thải ghép và chúng tôi đã làm được điều đó. Chúng tôi không gặp biến chứng gì và giờ đây có thể tiến hành thử nghiệm ở quy mô con người, theo Study Finds.

Những phát hiện này là một bước tiến quan trọng đối với Dự án Thận, do tiến sĩ Roy và William H. Fissell, bác sĩ từ Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), đồng đứng đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.