Mô phỏng Manta Ray UUV |
darpa |
Mục tiêu của chương trình UUV, có tên Manta Ray, là thiết kế và chế tạo UUV tải trọng lớn, hoạt động tầm xa, không cần con người hỗ trợ hoặc bảo trì tại chỗ trong một khoảng thời gian dài, theo trang The Defense Post.
Hoạt động độc lập
Trong giai đoạn đầu tiên của chương trình, các nhà thầu cần phải chứng tỏ những công nghệ liên quan đến kiểm soát năng lượng, mức độ tin cậy khi hoạt động, xử lý tình trạng sinh vật biển bám tàu thuyền và chống ăn mòn, điều hướng và tránh chướng ngại vật trong lòng biển.
Trung tá Kyle Woerner, Chủ nhiệm chương trình Manta Ray, cho biết dự án này của DARPA đã “gặt hái những đột phá đáng kể trong việc cho phép các phương tiện không người lái di chuyển trong môi trường biển mà không cần thủy thủ đoàn hoặc các cơ cở hạ tầng hỗ trợ”.
Theo trung tá Mỹ, với việc đầu tư vào các giải pháp đa dạng, DARPA củng cố năng lực của quân đội Mỹ trong việc chuyển tiếp những công nghệ dưới nước tối tân cho các đối tác phục vụ mục tiêu an ninh quốc gia. Manta Ray đóng vai trò đặc biệt, theo đó đóng góp các công nghệ mới cho những chương trình dưới nước then chốt của Mỹ.
Ở giai đoạn 2, Northrop Grumman và Martin Defense Group được yêu cầu phát triển hai phiên bản khác nhau, với kích thước nguyên mẫu.
Lấy năng lượng từ biển
Những phương tiện dưới nước hiện tại thường bị giới hạn bởi nguồn năng lượng mà chúng có thể mang theo, từ đó dẫn đến giới hạn tầm hoạt động. Chúng không khai thác được năng lượng từ sóng biển hoặc điện mặt trời như các phương tiện trên mặt biển.
Để vượt qua thách thức trên, Northrop bắt tay với đối tác Seatrec chế tạo thiết bị chiết xuất năng lượng từ gradien nhiệt (đại lượng đo sự chênh lệch nhiệt độ theo độ sâu của lòng biển) và chuyển thành điện năng.
Mô phỏng Orca, dòng thiết bị dưới nước không người lái siêu lớn |
boeing |
Trong khi đó, Martin Defense Group hợp tác với Đại học Bắc Carolina, đơn vị phát triển công nghệ khai thác năng lượng dưới nước. Gần đây, các nhà nghiên cứu của đại học Mỹ đã chế tạo một dạng thiết bị có thể kéo giãn, chuyển đổi chuyển động thành điện năng và hoạt động được trong môi trường nước.
Hơn hẳn lớp tàu robot Orca
Đầu năm 2021, Hải quân Mỹ đã công bố kế hoạch đóng tàu kéo dài 30 năm, trong đó phản ánh mối quan tâm ngày càng lớn của Lầu Năm Góc đối với viễn cảnh sử dụng khí tài không người lái khi tham chiến trên biển, theo trang Defense One.
Cụ thể, từ nay đến năm 2026, hải quân Mỹ muốn sở hữu 12 tàu nổi không người lái cỡ lớn (LUSV), 1 tàu cỡ vừa (MUSV) và 8 tàu ngầm rô bốt siêu lớn (XLUUV).
Dự kiến, một đại diện của XLUUV là Orca, do Boeing sản xuất, sẽ trình làng năm 2023. Lớp tàu robot Orca có thể hoạt động liên tục 90 ngày trong lòng biển, dựa trên các nguồn năng lượng thông thường.
Tuy nhiên, theo Tạp chí Forbes, chương trình Manta Ray sẽ cho ra đời những thiết bị dưới nước không người lái với năng lực hơn hẳn Orca. Vẫn chưa rõ các đại diện của Manta Ray có thể hoạt động bao nhiêu ngày trong lòng đại dương.
Bình luận (0)