Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng để đánh giá lại hiệu quả công tác này thời gian qua cũng như đề ra những quyết sách cho công cuộc đấu tranh với tham nhũng trong thời gian tới.
Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến quyết tâm phòng chống tham nhũng, về mặt pháp lý, tổ chức bộ máy cho đến quyết tâm chính trị, chúng ta đều không thiếu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đặc biệt là việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ trọng án tham nhũng gần đây đã bước đầu khôi phục lại niềm tin trong nhân dân về quyết tâm phòng chống tham nhũng (PCTN), thì Đảng và Nhà nước vẫn đánh giá công tác PCTN của chúng ta chưa tương xứng với nguồn lực bỏ ra, chưa đạt được kỳ vọng của nhân dân. Tôi cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là khâu thực hiện cụ thể còn yếu; quyết tâm chung của Đảng thì rất mạnh nhưng dường như từng người, từng ngành, từng địa phương, từng cấp vẫn cảm thấy tham nhũng như ở đâu đó chứ không phải ở ngành mình, địa phương mình, cơ quan mình.
Nguyên nhân khác là chúng ta chưa chọn lấy một khâu đột phá trong công tác PCTN để ưu tiên giải quyết trước. Nhiều người nói rằng tham nhũng vặt vô cùng nguy hại, nhưng tôi cho rằng đó chưa phải là khâu cốt lõi. Chúng ta vẫn nói nhiều đến nguyên nhân của mọi nguyên nhân là ở công tác cán bộ. Vậy thì tại sao chúng ta không bắt đầu từ khâu cốt lõi này để có giải pháp triệt để, quyết liệt, bắt đầu từ khâu đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức?
Sau hội nghị toàn quốc về PCTN lần này, nên rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong rà soát phải bắt đầu từ những vị trí trọng tâm, trọng điểm có nguy cơ phát sinh tham nhũng nhất, như các vị trí được quyết định các dự án trọng điểm; mua sắm tài sản công; có quyền quyết định về ngân sách; về cấp đất; khai thác tài nguyên; xuất nhập khẩu…
Việc tiếp theo là nghiên cứu, luật hóa việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo để công khai minh bạch khâu tuyển dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, bắt buộc áp dụng đồng loạt từ nhiệm kỳ tới. Lâu nay, đã có nhiều tỉnh thành, nhiều bộ ngành thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo và thực tế đều chứng minh việc thi tuyển cạnh tranh ưu việt hơn hẳn so với quy trình bổ nhiệm khép kín, chỉ có một ứng viên. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc thi tuyển lãnh đạo cần phải được quyết định bởi một hội đồng xét tuyển độc lập, bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực đó là chủ yếu, như cách thi tuyển lãnh đạo cấp tổng cục ở Bộ GTVT vừa qua. Trên thực tế, việc thi tuyển để chọn quan chức ở nước ta không phải bây giờ mới bắt đầu thực hiện, mà ngay thời phong kiến, vua cũng phải chọn người đỗ đạt cao nhất trong các cuộc thi để bổ nhiệm quan đầu huyện, với quy định là người thân cận, cùng quê của thí sinh không được tham gia chấm thi để bảo đảm khách quan. Chúng ta không cần học tập đâu xa, mà học ngay cha ông chúng ta trong việc thông qua các kỳ thi tuyển để chọn hiền tài phục vụ đất nước.
Cũng không nên khoanh việc thi tuyển ở các cấp từ cục, vụ, viện trở xuống, đã là cán bộ công chức, phải bắt buộc thi tuyển đồng loạt, từ cấp trung ương đến địa phương, từ các cơ quan Đảng đến bộ máy nhà nước. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi quyết tâm rất lớn từ phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trong nhiệm kỳ tới, ngay cả các chức danh chủ chốt nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước cũng nên có giới thiệu ứng viên cạnh tranh để chọn được người xứng đáng nhất.
Lê Như Tiến
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH
>> Tránh khuynh hướng hẹp hòi trong công tác cán bộ
>> Công tác cán bộ kém dễ nảy sinh tham nhũng
>> Thi tuyển lãnh đạo sẽ là khâu đột phá trong công tác cán bộ
Bình luận (0)