Tại lễ khai mạc, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhấn mạnh: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đã xác định nhiệm vụ cốt lõi là bồi dưỡng và phát triển lực lượng viết trẻ. Những thế hệ cầm bút đi trước, dù muốn hay không, năm tháng cứ dần bào mòn thể lực, trí lực và cả niềm đam mê sáng tạo. Nếu không có đội ngũ cầm bút nối tiếp thì thử hình dung, một đoàn tàu với sự vận hành dù có nhẫn nại kiên trì đến đâu đi nữa, rồi sẽ đến lúc già nua, mỏi mệt và không tránh khỏi nguy cơ đứt gãy, không chỉ đường ray mà cả sự vận hành toa tàu và cả đoàn tàu".
MỘT THẾ HỆ TRẺ SUNG SỨC TIẾP NỐI
Từ những "bệ đỡ" hết lòng vì ngày mai, nhiều tài năng văn chương được phát hiện và vun bồi, từng ngày khẳng định mình. Lực lượng nhà văn mới sau 1975 bổ sung cho nền văn chương VN như: Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Vũ Đình Giang, Trương Anh Quốc, Đào Phong Lan, Tiến Đạt, Ngô Liêm Khoan, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thị Hạnh, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Văn Thành Lê, Trần Đức Tín…; rồi một thế hệ đầy sung sức sau đó tiếp nối: Bùi Tiểu Quyên, Ngô Thúy Nga, Trần Ngọc Mai, Vĩ Hạ, Huỳnh Trọng Khang, Lê Quang Trạng, Nguyễn Trần Khải Duy, Ngô Tú Ngân, Trần Văn Thiên, Đoàn Nguyễn Anh Minh…
Nổi lên như một hiện tượng thời gian gần đây là nhà văn Tống Phước Bảo. Đến với văn chương từ năm 10 tuổi nhưng bẵng đến 15 năm sau, khi có ý thức dấn thân quay lại với văn chương và được các anh chị đi trước dìu dắt, Bảo đã trở thành cây bút trẻ ôm rất nhiều giải thưởng "khủng".
Nhà văn Tống Phước Bảo tâm sự: "Bản thân tôi cũng nhiều lần đứng trước sự chênh vênh. Nếu tập trung cho công việc kiếm sống thì không thể dành thời gian đắm đuối với văn chương được. Vậy, làm sao cân bằng giữa sống và viết. Năm 34 tuổi, tôi mới thực sự có ý thức dấn thân và phải lên kế hoạch sử dụng quỹ thời gian trong ngày hợp lý để còn hoàn thành tốt công việc của một nhân viên văn phòng. Viết lách luôn đòi hỏi một không gian sáng tác mà ở đó chính người viết phải làm chủ khối óc và trái tim của mình. Để viết một tác phẩm không hề dễ, đôi khi mất vài tiếng, nhưng có khi mất vài tháng, hoặc cả năm".
Là nhà văn xuất thân từ Công an nhân dân, dù mới 31 tuổi nhưng Võ Chí Nhất sở hữu 1 tiểu thuyết, 3 tập truyện, trong đó Muội tro nhận thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM (2022). Truyện ngắn trinh thám Đóa hồng đẫm sương vào sách giáo khoa lớp 9, còn tiểu thuyết Hoàng cung được dịch, xuất bản ở Ý.
Võ Chí Nhất tâm sự: "Nhà văn Nguyễn Tuân nhắn nhủ: "Trang giấy là một pháp trường trắng", để nhấn mạnh nghề viết là không bao giờ dễ dàng. Đứng trước "pháp trường trắng" ấy thật rõ cái áp lực của sự viết, mà viết về đề tài công an lại càng khó, đòi hỏi tôi phải dấn thân đi sâu vào từng mảnh đời dù là tiếng cười hay nước mắt, ngọc ngà hay tro bụi mới có được những tác phẩm giá trị".
LÀN GIÓ MỚI TRÊN CÁNH ĐỒNG CHỮ NGHĨA
Người trẻ viết văn ngày nay có nhiều lợi thế hơn thế hệ đi trước, đó là tiếp cận được sự phát triển công nghệ, được sống trong xã hội hiện đại hóa. Chính 2 yếu tố này giúp họ mạnh mẽ bứt thoát trong văn chương, tiếp cận độc giả trực diện, và trải nghiệm đa chiều hơn ngày trước, tạo cho cánh đồng chữ nghĩa những làn gió mới.
Theo nhà văn Bùi Tiểu Quyên: "Tác phẩm của người trẻ hiện nay luôn đầy màu sắc, tươi mới và thú vị bởi những góc nhìn mới mẻ, cũng như cách kể chuyện hấp dẫn và gần gũi. Họ trao gửi nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa, nhưng không sáo rỗng, giáo điều. Sự chân thật đến từ cảm xúc, cái đẹp đến từ những giá trị và sức hấp dẫn có được từ trí tưởng tượng phong phú, được thể hiện qua ngôn ngữ giàu hình ảnh".
Trách nhiệm luôn gắn bó với thời cuộc, vì vậy nhà văn Trầm Hương "đặt hàng" cho đội ngũ nhà văn trẻ khi gánh trên vai trách nhiệm kép: "Chính các bạn vừa làm người kế thừa di sản quý báu của lịch sử mà thế hệ tiền nhân chưa kịp làm đã ra đi, vừa là những "chiến sĩ" tiếp tục đồng hành với nhân dân những vấn đề bức xúc của đời sống đương đại, trách nhiệm giữ gìn chủ quyền quốc gia, sự tha hóa quyền lực, sự xuống cấp đạo đức, sự giằng xé những học thuyết và khuynh hướng, những nỗ lực vươn lên từ sai lầm, đổ vỡ… Nhiều vấn đề ngổn ngang ấy đang đặt ra cho người viết trẻ".
Lạc quan về tương lai, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn khẳng định: "Văn chương trẻ TP.HCM đang hình thành những tác giả mang phẩm chất công dân toàn cầu. Họ thông thạo ngoại ngữ và có thể sáng tác bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Chắc chắn, những tác giả - công dân toàn cầu này hoàn toàn có khả năng tự tin hội nhập văn chương quốc tế. Những tác phẩm do chính họ viết bằng những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, không cầu cạnh vào sự may rủi đồng cảm với dịch giả, mà được giữ nguyên tác khi đến với độc giả toàn cầu".
"Mỗi khi ngồi với các nhà văn trẻ, tôi hay hỏi vui: "Giả dụ có ai cho bạn 1 triệu đô la với điều kiện phải từ bỏ chữ nghĩa, không được sáng tạo gì cả". Mọi người đều không chấp nhận đánh đổi với thói vui viết lách để nhận tiền. Theo tôi, văn chương là sự say mê vô điều kiện, giống như trong tình yêu, mình cứ đeo đuổi dù có thể một ngày cô gái kia từ chối tình cảm của mình. Không có gì hạnh phúc bằng được tự do khám phá, sáng tạo làm những gì mình thích, nhất là thong thả ngồi dưới mái nhà của mình để… viết văn, làm thơ", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tại hội nghị.
Bình luận (0)