Cho rằng những cầu thủ Man City “quá lạnh lùng thờ ơ” khi đến Việt Nam, một người hâm mộ cảm thấy mình “bị xem thường” đã đốt 10 chiếc vé xem trận đấu ở Mỹ Đình. Một hành động mà theo tôi không phải là sự phản kháng, nó chỉ thể hiện sự mặc cảm, yếu đuối.
Thật là lố bịch khi chĩa máy quay vào cầu thủ và yêu cầu họ lặp lại câu nói của mình!
|
Còn nhớ lần trước, khi Asenal sang du đấu, cổ động viên Việt Nam đã gây ấn tượng với thế giới như thế nào. Còn lần này, chúng ta lại tự làm nhục mình như thế nào, chúng ta thể hiện một hình ảnh xấu xí trong mắt thế giới, từ phóng viên cho đến người hâm mộ.
Từ chuyện phóng viên thiếu lễ độ
Không phải chuyện lạ khi trong buổi họp báo luôn có những câu hỏi khó trả lời nhưng đôi khi cũng phải có giới hạn. Tôi nhớ trong một buổi họp báo khi một ca sĩ nữ nổi tiếng của Mỹ đến Việt Nam, rất nhiều phóng viên khác đã la ó phản đối khi có câu hỏi về đời tư trước đây của cô mà chẳng liên quan gì đến chuyện biểu diễn ngày hôm sau. Thế mới nói, hỏi cũng cần có văn hóa và ranh giới giữa tò mò và xúc phạm đôi khi rất mong manh.
Văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây khá khác biệt, ngay cả trong chuyện giao tiếp, chuyện ngữ điệu trong câu nói, trong câu hỏi. Nhưng cho dù có khác biệt hay không thì với cái kiểu yêu cầu của phóng viên nào đó với các cầu thủ Man City phải nói “chào Việt Nam” như muốn xem xiếc thì không thể chấp nhận được. Họ thờ ơ mà không nổi giận tức là họ đã rất kìm nén và rất lịch sự. Họ là khách và chủ nhà đang yêu cầu với kiểu rất thiếu lễ độ, thiếu tôn trọng, sau đó tường thuật trên báo lại bằng kiểu hờn dỗi trẻ con.
|
Đến chuyện người hâm mộ xấu xí
Không phải nói quá khi cho rằng chúng ta đang rất tự ti, mặc cảm và yếu đuối. Tâm lý tự ti là gì? Theo một định nghĩa phổ biến, “Tâm lý cho rằng người ta cái gì cũng hơn mình, không thừa nhận giá trị của bản thân mình, và lấy quan điểm đó chi phối toàn bộ cuộc sống của mình, gọi là tâm lý tự ti”. Chúng ta để cảm xúc của mình bị chi phối bởi sự thờ ơ của một ai đó, chúng ta nhún mình và trông chờ sự yêu thương từ kẻ khác. Chúng ta thật mong manh nhạy cảm và nhược tiểu.
Hàng loạt các trang báo lớn của Anh đã đưa tin về chuyện một “fan cuồng” đốt những tấm vé vì cảm thấy thất vọng. Cả thế giới biết đến Việt Nam, một lần nữa, là chuyện tiêu cực. Hẳn nhiên, chưa ai biết những tấm vé ấy là thật hay không và fan cuồng này đốt vì muốn nổi tiếng hay muốn phản ứng. Nhưng cách phản ứng như thế là kiểu phản ứng “trẻ con gào khóc vì không được kẹo”. Sao lại “hâm mộ cuồng nhiệt” một cách lạ đời như vậy? Đừng làm xấu đi hình ảnh của những người hâm mộ.
Hãy là người hâm mộ chân chính
Đốt vé xem vì thất vọng và lấy sự “hâm mộ cuồng nhiệt” để biện minh cho hành động đó. Đương nhiên, anh có quyền làm bất cứ chuyện gì với những tấm vé anh đã mua, nhưng trưng ra một thái độ như vậy với tất cả mọi người thì anh mới khiến cho mọi người thất vọng về hình ảnh của một “fan cuồng”. Và sẽ chẳng có thần tượng, có câu lạc bộ bóng đá nào mong chờ một người hâm mộ kiểu như thế.
Đừng làm một người hâm mộ yếu đuối, mặc cảm, tự ti
|
Tôi vẫn luôn nghĩ fan bóng đá sẽ chín chắn và mạnh mẽ hơn những bạn trẻ hâm mộ những thần tượng showbiz. Vì tôi biết có những người đã hâm mộ đội bóng của mình suốt mấy chục năm, bất kể cả khi họ thi đấu không thành công và liên tiếp thất bại. Nhưng với hình ảnh mà fan cuồng kia thể hiện, nó càng cho thấy khái niệm “fan phong trào” không phải là một điều gì đó mơ hồ.
Đứng thẳng người dậy và làm một người hâm mộ chân chính. Thậm chí khi có bị phản bội niềm tin, có bị thất vọng tột cùng thì hãy làm một trượng phu bao dung độ lượng, còn không thì thôi không “yêu nhau” nữa. Đừng làm một người hâm mộ yếu đuối, mặc cảm, tự ti. Cũng đừng tự “bôi tro trát trấu” và mặt mình, làm xấu xí hình ảnh của cộng đồng người hâm mộ. Nếu không làm được, hãy làm người bình thường thôi, đừng hâm mộ ai nữa cả.
Bình luận (0)