Dota 2: Nỗi ám ảnh mang tên DDoS

09/04/2015 16:00 GMT+7

Hiện tượng DDoS đang là vấn đề cực kỳ nan giải mà Dota 2 đang vướng phải. Dù ban tổ chức các giải đấu đã thử rất nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để được.

Thời gian gần đây tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) đang thật sự là nỗi ám ảnh, trút xuống rất nhiều bực bội cũng như chán nản cho cộng đồng Dota 2 thế giới. Sẽ cực kỳ khó chịu nếu một trận đấu đang diễn ra căng thẳng và vô cùng gay cấn, bỗng nhiên xuất hiện hiện tượng mất kết nối đến từ người chơi của cả 2 đội do bị tấn công DDoS,. Và kéo theo đó là những phút ngồi chờ trong mệt mỏi xen lẫn ức chế của cả người chơi cũng như người xem.

(Ảnh: gamebreaker.tv)

Trong trường hợp xấu nhất, người chơi không thể kết nối vào lại trận đấu và đội của họ phải chấp nhận tiếp tục chơi với 4 thành viên. Chắc chắn rằng, trận đấu đó sẽ không còn hấp dẫn, hay tệ hơn là sẽ gây ra mệt mỏi, ức chế cho tất cả mọi người, trừ những hacker DDoS. Các hacker sẽ cố gắng tạo ra một lượng lớn các lệnh cũng như bản tin để chiếm, làm đầy băng thông và bộ nhớ của máy chủ, khiến máy chủ đó quá tải và không thể đáp ứng yêu cầu của các máy trạm. Điều này có thể khiến cho cả hệ thống mạng bị đình trệ hay thậm chí là dừng hoạt động.

Và cũng không phải ngẫu nhiên các trận đấu Dota 2 lại trở thành mục tiêu của các hacker DDoS. Lí do là trong thời kỳ thương mại hóa hiện nay, trên những trang web cá độ, một game đấu Dota 2 có thể mang đến hàng nghìn đô cho người cá cược, nhất là khi các đội được đánh giá là yếu hơn bất ngờ có chiến thắng trước các đội có thứ hạng cao hơn. 


Trận đấu giữa LGD và Navi phải kéo dài 4 tiếng vì các đợt tấn công DDoS. (video: Youtube)

Điều đáng buồn là thời gian gần đây, số lượng những trận đấu bị ảnh hưởng bởi DDOS có chiều hướng tăng mạnh và xuất hiện ở mọi giải đấu. Ngay cả những giải đấu thâm niên, có uy tín như Star Ladder cũng là nạn nhân. Điển hình như trận đấu giữa Cloud 9 (C9) với SFZ ở vòng loại Star Ladder, sau khi thành viên Notail bị DDOS và không thể kết nối, C9 đã phải chấp nhận tiếp tục trận đấu chỉ với 4 người bởi theo điều lệ của giải, thời gian dừng trận đấu cho mỗi team chỉ là 10 phút và ban tổ chức không thể chờ đợi lâu hơn. Nhưng rất may với bản lĩnh và kinh nghiệm của mình, C9 vẫn có thể giành chiến thắng.

Ngay sau đó, cũng là 1 trận đấu thuộc Star ladder có sự góp mặt của SFZ nhưng nạn nhân lần này là HR, liên tục bị tấn công DDOS, các thành viên HR lộ rõ sự chán nản và bất lực, và kết quả 2-0 dễ dàng dành cho SFZ. Gần đây nhất, trong trận đấu với Empire tại khuôn khổ vòng loại The Summit, C9 đã phải trá hình standin 2 thành viên để lừa các hacker. Điều đáng buồn là không chỉ riêng C9 mà các thành viên trong ban tổ chức cũng như các caster cũng là nạn nhân và đều bị mất kế nối. Và các thành viên Empire đành phải ngồi chời khắc phục sự cố khi lúc đó với họ đã là 3h sáng (giờ địa phương).

Không chỉ khiến các tuyển thủ đang thi đấu bực bội, mà người xem cũng nản lòng. (Ảnh: Youtube)

DDoS đã và đang thật sự là vấn đề nan giải của ngành thể thao điện tử nói chung và Dota 2 nói riêng, thế nhưng cho tới thời điểm này, chưa có biện pháp triệt để nào để có thể chấm dứt hoàn toàn vấn nạn này. Valve cũng đã từng đưa ra những hứa hẹn về việc cải thiện, nâng cấp toàn diện và đặc biệt là hệ thống local lobby để các giải đấu có thể diễn ra an toàn hơn trong trường hợp IP trận đấu bị rò rỉ.

Bên cạnh đó, các đội cũng nên cải thiện hệ thống tường lửa và nâng cấp khả năng bảo mật với máy tính cũng như IP của mình. Tuy nhiên đó cũng chỉ là những biện pháp tạm thời và thực tế là DDoS vẫn đang hoành hành, phá hoại rất nhiều game đấu. Chừng nào chưa thể ngăn chặn triệt để DDoS, chừng đó các team cũng như cộng đồng Dota 2 vẫn phải chấp nhận cảnh sống chung với lũ như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.