Ở cấp địa phương cũng đã có nhiều chỉ đạo thu hồi các dự án bỏ hoang, dự án “treo”, thế nhưng việc này vẫn hết sức chậm chạp.
Những “siêu dự án, siêu treo”
Theo số liệu báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, TP cho thấy có đến 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2 ha, trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1 ha.
Các dự án “treo”, chậm triển khai không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương mà còn khiến nguồn tài nguyên đất đai bị lãng phí, gây thất thu ngân sách. Đó là lý do mà Thủ tướng chính thức vào cuộc chỉ đạo xử lý các dự án “treo”. Đáng nói, tại các TP lớn, đất đai được ví như kim cương thì tình trạng treo càng nhiều, càng lâu.
Đối với trường hợp đất công giao cho doanh nghiệp thu hồi thì dễ, nhưng đối với đất của doanh nghiệp tự bồi thường thì rất khó. Chính vì vậy, khi thu hồi dự án chậm triển khai cơ quan chức năng phải phân loại từng trường hợp. Đối với đất của tư nhân tự bồi thường mà thu hồi phải bồi thường mới thỏa đáng. Mà như vậy phải sửa lại quy định tại điểm i, điều 64 của luật Đất đai để tạo sự công bằng vì chủ đầu tư đã bỏ tiền ra mua đất, tôn tạo đất, đóng tiền sử dụng đất.
Đơn cử tại TP.HCM, thống kê của Sở TN-MT TP.HCM cho biết TP còn khoảng 547 dự án “treo”, với tổng diện tích hơn 20.000 ha, trong đó không ít dự án đã “treo” nhiều thập kỷ như “siêu dự án” Bình Quới - Thanh Ða; dự án Công viên Sài Gòn Safari (H.Củ Chi) rộng 485 ha, với hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng “treo” từ năm 2004; dự án Khu đô thị Sing - Việt (H.Bình Chánh) rộng 331 ha, với 571 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời “treo” từ năm 1997 đến nay; dự án Khu đô thị Tây Bắc rộng hơn 900 ha “treo” gần 20 năm, khu đô thị Nam TP đến nay sau 30 năm cũng mới triển khai được 1 phần nhỏ…
“Siêu dự án, siêu treo” phải kể đến khu đô thị mới Nam TP (gọi tắt là khu Nam) được Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 1994 có diện tích 2.975 ha trải dài trên địa bàn Q.7, Q.8 và H.Bình Chánh được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học, công nghiệp sạch, văn hóa giáo dục, nghỉ ngơi, giải trí cho khoảng 500.000 người.
Để thực hiện dự án này, UBND TP.HCM đã lập Ban Quản lý khu Nam, với thẩm quyền tương đương UBND một sở. Thế nhưng, đến nay sau 3 thập kỷ chỉ có khoảng hơn 400 ha tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng được hoàn thành, phần còn lại vẫn chưa nên hình nên dáng, các dự án thành phần xây dựng dang dở, thậm chí khoảng 1.000 ha đất vẫn chưa đền bù xong. Chạy dọc đường Nguyễn Văn Linh, đất đai hai bên đường bỏ hoang khiến người đi đường không khỏi xót xa, ngao ngán. Những người dân sống tại đây thường xuyên gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi vì nhà đất của họ nằm trong dự án nên không thể xây dựng, cầm cố trong khi không được đền bù.
Chị Hồng Vân (ngụ xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM) có khoảng gần 5.000 m2 đất lọt ở khu Nam, cho biết năm 1992 chính quyền công bố đất của chị và hàng trăm hộ dân tại đây nằm trong quy hoạch dự án nên “cấm” người dân không được làm gì từ việc xây dựng, chuyển nhượng, trồng trọt. Nhưng đến nay, sau 30 năm dự án không triển khai, cũng không đền bù cho người dân. Những thiệt hại trong 30 năm qua của người dân không thể nào đong đếm được.
“Nếu không làm thì trả lại đất cho người dân, còn nếu làm thì đền bù để họ đi nơi khác sinh sống vì hiện nay không xây nhà, không trồng trọt, không buôn bán gì được. Chính quyền phải có một lối thoát cho dân chứ không thể giam cầm vậy mãi được”, chị Vân bức xúc.
Tương tự, những ngày đầu năm 2022, người dân ở bán đảo Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh) khi được hỏi về tương lai của dự án, về cuộc sống và mong muốn của họ, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Anh Nguyễn Hoàng, một cư dân đã sống ở đây gần 50 năm dẫn chúng tôi đi thăm căn nhà cũ nát của mình và cho biết nơi này cũng đã quy hoạch 30 năm, nên đa số nhà cửa lụp xụp, đường sá và môi trường sống nhếch nhác dù là trung tâm của TP. Chỉ tay về hướng khu Thảo Điền (TP.Thủ Đức), nơi cách Thanh Đa chỉ một dòng sông, anh Nguyễn Hoàng thở dài: Cùng trong một TP nhưng bên kia bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày, còn ở bên đây, đã mấy chục năm vẫn giậm chân tại chỗ, ruộng đất bỏ hoang, nhà cửa xuống cấp, cơ sở vật chất không có gì ngoài mấy con đường đổ bê tông tạm bợ.
Cùng cảnh ngộ với anh Hoàng là hơn 3.000 hộ dân khác ở bán đảo Thanh Đa như bị bỏ quên. Do khu vực này dính quy hoạch nên không thể chuyển mục đích từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư. Dù nhà nước có chính sách cho xây nhà tạm đến 3 tầng nhưng gần như không ai làm bởi muốn xây nhà thì phải ký giấy cam kết không yêu cầu bồi thường khi có giải tỏa. Đa số là dân nghèo, đối với họ số tiền để xây một ngôi nhà mới là cả một gia tài nên xây rồi đập đi không bồi thường là điều rất khó. Chính vì vậy, nhà anh Hoàng cũng như các gia đình khác dù phải sống 3 thế hệ trong một gia đình nhưng họ chỉ lén cơi nới thêm cho nhà rộng ra để ở chung chứ không dám chia đất xây nhà.
Một dự án ở P.An Phú, TP.Thủ Đức để hoang đất nhiều năm |
Đình Sơn |
Thu hồi nhỏ giọt
Cuối năm 2021, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết HĐND TP đã tổ chức giám sát và UBND TP rà soát lại trên 2.800 dự án, trong đó có 600 dự án hoàn thành, hơn 1.500 dự án đang triển khai thực hiện. Hiện TP có khoảng 547 dự án phải thu hồi chủ trương do quá trình tổ chức thực hiện chậm và TP đã ra quyết định hủy bỏ 108 dự án quá 3 năm không thực hiện đồng thời trình HĐND TP thông qua hủy bỏ 61 dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đã được HĐND TP quyết nghị trước đây nhưng chậm triển khai, dây dưa kéo dài. Thế nhưng, công tác trên hiện tạm hoãn, chờ TP ra chiến dịch rà soát tổng thể các dự án chậm triển khai, dự án “treo” để có cái nhìn tổng quát hơn, với những con số thống kê chính xác hơn trước khi ra quyết định thu hồi, hủy bỏ dự án nào và tiếp tục cho dự án nào được triển khai.
Trong khi đó tại TP.Hà Nội, trong số 383 dự án chậm triển khai, thậm chí có những dự án đã “treo” hàng thập kỷ, nhưng cũng vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hồi, trong số 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì chỉ có 10 dự án được thu hồi.
Đối với tỉnh Đồng Nai, Sở TN-MT cũng đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý 54 dự án với tổng diện tích hơn 673,4 ha được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng có đến 39 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, với tổng diện tích 507,5 ha. Trong số này UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất đối với 12 dự án với tổng diện tích 33,85 ha và gia hạn cho 27 dự án thêm 24 tháng, với tổng diện tích 473,68 ha. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có quyết định về thu hồi dự án, thu hồi sổ đỏ khu đất đã cấp cho Công ty DIC do chậm triển khai. UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty DIC khẩn trương di dời tài sản trên đất để bàn giao đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý và bàn giao bản gốc sổ đỏ khu đất đã cấp cho Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh để thực hiện hủy giấy này theo quy định. Tại nhiều địa phương khác, việc thu hồi các dự án chậm triển khai, dự án “treo” cũng nhỏ giọt, kéo dài.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã “treo” khoảng 30 năm |
Đình Sơn |
Khó thu hồi nếu không sửa luật
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, ai cũng thấy được những tác hại ghê gớm của việc chậm đưa đất vào khai thác. Đối với nhà nước không thu được thuế, tiền sử dụng đất và các loại phí. Đối với xã hội là các dự án này làm xấu đi bộ mặt đô thị, gây nhếch nhác, mất mỹ quan. Đối với người dân càng thiệt hại nặng nề hơn vì không đền bù trong khi quyền lợi của họ bị “treo” hàng thập kỷ, thậm chí nhiều thập kỷ. Để giải quyết tình trạng này, các địa phương chọn giải pháp là thu hồi lại dự án.
Thế nhưng, tiến trình thu hồi không dễ dàng như việc ra một quyết định. Hiện nay, theo quy định của luật Đất đai, dự án được cấp quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư… có hiệu lực trong vòng 12 tháng. Nếu sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng có thể được gia hạn thêm và tối đa 48 tháng phải đưa đất vào khai thác sử dụng. Nếu hết thời gian này, dự án vẫn bỏ hoang, vẫn “treo”, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư và thu hồi đất mà không bồi thường.
Nhưng hiện nay các địa phương mới dừng lại ở việc thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư nếu dự án chậm triển khai mà khó thu hồi được đất, nhất là trong trường hợp đất do chủ đầu tư tự đền bù, giải phóng mặt bằng. Bởi luật quy định nhà nước chỉ được thu hồi đất trong một số trường hợp cần thiết mà không có trường hợp dự án chậm triển khai.
Ninh Thuận “điểm mặt” nhiều dự án du lịch chậm tiến độ
Ngày 14.2, Sở KH-ĐT Ninh Thuận cho biết vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Ninh Thuận về tình hình triển khai các dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn. Theo đó, Sở KH-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã “điểm mặt” các dự án du lịch trọng điểm chậm tiến độ thi công so với giấy chứng nhận đầu tư, như: dự án Khu du lịch sinh thái N.N.C tại xã Vĩnh Hải, H.Ninh Hải; tổng vốn đầu tư hơn 1.550 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng 93,4 ha; dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp H.Đ tại xã Thanh Hải, H.Ninh Hải; tổng vốn đầu tư 459,8 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng 33 ha; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp N.C tại xã Vĩnh Hải, H.Ninh Hải; tổng vốn đầu tư 379,4 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất 105 ha.
Theo Sở KH-ĐT Ninh Thuận, phần lớn dự án có tiến độ chậm nguyên nhân chủ yếu là nhà đầu tư thiếu quyết tâm, năng lực thực hiện dự án; thời gian hoàn thành thủ tục liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng còn kéo dài, ảnh hưởng đến quy hoạch quốc phòng; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Sở KH-ĐT Ninh Thuận kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận giao các ngành liên quan kiểm tra giám sát tiến độ sử dụng đất, tiến độ đầu tư xây dựng, kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định; kiên quyết thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án đối với các dự án nhà đầu tư không có năng lực, quyết tâm triển khai dự án.
Thiện Nhân
Theo ông Châu, bản thân luật Đất đai cũng không quy định rõ như thế nào là không đưa vào sử dụng, nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khe hở này để đối phó với cơ quan chức năng bằng cách triển khai nhỏ giọt, mỗi năm một ít.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho rằng để xảy ra tình trạng dự án “treo”, dự án chậm triển khai trong nhiều năm nguyên nhân từ công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án… Tất nhiên, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Với những dự án chủ đầu tư chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp xử lý thu hồi giao cho doanh nghiệp khác có năng lực để triển khai dự án, từ đó không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bình luận