Hàng loạt dự án san lấp mặt bằng đang triển khai khiến hệ thống thoát nước tại xã Hòa Liên (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) bị phá vỡ, gây ngập lụt cục bộ nhiều nơi.
Nước dâng lên tràn qua đường bê tông tại trạm bơm Cầu Quảng vào chiều 15.10 - Ảnh: Hoàng Sơn |
Trận mưa lớn giữa tháng 10 làm nhiều khu vực dân cư, đồng ruộng xã Hòa Liên chìm trong nước. Đoạn tại trạm bơm Cầu Quảng, nước đỏ ngầu từ thượng nguồn ào ạt đổ về. Vì dòng chảy bị tắc do 5 dự án san lấp mặt bằng khu tái định cư (TĐC) phía hạ lưu nên nước ứ lại, chảy dồn vào khu vực nhà dân gây nên cảnh ngập lụt. Bà Trần Thị Quảng (65 tuổi, trú tại thôn Quan Nam 1) tặc lưỡi: “Nghe đâu người ta đã khơi thông dòng chảy phía dưới nên nước lụt mới không vô nhà. Chứ trận mưa lớn cách đây 3-4 hôm, nước lụt đã vô đến tận sân, có nơi ngập gần cả mét”. Bà Quảng cho biết, từ năm 2011 đến nay, cũng như thôn Quan Nam 1 nhiều thôn khác như: Quan Nam 2, Quan Nam 3, Quan Nam 5… thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn.
Theo ông Ngô Thanh Nhì (70 tuổi, trú tại thôn Quan Nam 1), trước đây, khi khu công nghệ cao ở thượng nguồn sông Cầu Quảng chưa thực hiện, nước mưa thường đổ vào sông rồi xuôi về sông Cu Đê ở hạ lưu. Từ khi khởi công dự án cộng với việc xây dựng hàng loạt khu TĐC ở phía hạ lưu, dòng chảy đã thay đổi rất nhiều. “Cứ có mưa là nước lên, con em đi học phải lội nước rồi trượt té liên miên. Tôi cũng lo cho mấy đứa cháu ngày ngày lội đến trường phải đối mặt với nguy cơ đuối nước”, ông Nhì nói và cho biết, cũng vì thường xuyên ngập lụt nên tại địa phương, nhiều hộ dân phải bỏ ruộng đồng vì không thể canh tác đươc. Từ khi di dời, giải tỏa, nhiều hộ dân vốn gắn với đồng ruộng bị mất đất nên lâm cảnh thất nghiệp. Hàng ngày, vì nhàn rỗi nên nhiều người chỉ biết tụ tập nhau lại tám cho vui rồi ra về. Không có thu nhập nên đời sống người dân ngày càng khó khăn.
Đưa chiếc gậy xua đàn vịt xuống dòng kênh, bà Dương Thị Hồng (61 tuổi, trú tại thôn Quan Nam 4) thở dài: “Giờ trong thôn thất nghiệp nhiều lắm, nhất là lứa trên 35 tuổi không được tuyển vào làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp. Người già như tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng thì lại gặp cảnh mùa màng thất bát do úng ngập”.
Bà Nguyễn Thị Đào, Phó bí thư Đảng ủy xã Hòa Liên cho biết, các thôn Trung Sơn, Quan Nam 2, 3, 5, 6… bị ngập úng vì quá trình san lấp mặt bằng 5 dự án xây dựng khu TĐC và khu công nghệ cao làm cao trình một số vị trí bị nâng lên. Trong khi đó, nhiều hệ thống đường mương dẫn nước bị vùi lấp, không đáp ứng được nhu cầu thoát lũ. “Các đơn vị chủ đầu tư dự án đã có phương án thoát nước và khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, hiện các dự án đang thi công dang dở và chưa khớp nối hoàn thiện nên gây ra tình trạng úng ngập. Địa phương cũng đã có kế hoạch di dời khoảng 5.000 dân tại 6 thôn khi có tình trạng ngập lụt nặng xảy ra”, bà Đào nói. Cũng theo bà Đào, kênh thoát lũ từ khu công nghệ cao qua các khu TĐC về Thủy Tú đang triển khai một số giai đoạn. Tuy nhiên, tuyến kênh này qua xã Hòa Liên vẫn vướng đền bù nên vẫn chưa thể thi công.
Bà Đào cũng nhìn nhận hệ lụy của ngập úng là tình trạng mất mùa kéo dài. Hiện tại địa phương có khoảng 30 ha đất lúa không gieo trồng được do vậy chính quyền xã đã đề nghị TP chi hỗ trợ cho các hộ dân liên quan. Ngoài ra, Phòng NN-PTNT H.Hòa Vang khi nhận được thông tin ngập úng gây mất mùa cũng đã khảo sát để đề nghị TP hỗ trợ cho người dân. Cũng theo bà Đào, toàn xã có 34 dự án gây ảnh hưởng đến 13/13 thôn, diện tích đất bị thu hồi nhiều nên tình trạng thất nghiệp là có thật. “Chúng tôi đã vận động bà con chuyển đổi nghề và cây trồng để giải quyết việc làm nhưng vẫn không hết được, nhất là lao động lớn tuổi. Do vậy, nảy sinh các tệ nạn xã hội là điều khó tránh khỏi”, bà Đào nói.
Do việc thi công nhiều dự án cùng lúc nên trên tuyến đường ĐT601
qua địa phương ngày càng có nhiều xe chở đất, vật liệu xây dựng hoạt
động. Nhiều địa điểm trên tuyến hiện đang xuống cấp trầm trọng, nắng bụi
mưa lầy. Trong khi đó, trên đoạn đường này có đến 4 trường học. Giờ tan
tầm có đến cả ngàn học sinh ra về.
|
Bình luận (0)