Dự án bao gồm các hạng mục công trình đầu mối có dung tích hữu ích 4,4 triệu m3 nước, hệ thống kênh bằng bê tông cốt thép có tổng chiều dài hơn 13 km. Mục tiêu đảm bảo cung cấp nước tưới cho 500 ha đất canh tác. Đồng thời, góp phần ngăn chặn lũ quét ở thượng nguồn, cắt lũ, giảm nhẹ ngập lụt hạ lưu...
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thi công, đến nay, dự án vẫn dang dở, chưa thể đưa vào sử dụng như dự kiến. Quá trình tìm hiểu thông tin về dự án này, chúng tôi được ông Hồ Huy Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam - chủ đầu tư), cho biết dự án hồ chứa nước Lộc Đại được phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 3.2018, nhưng đến tháng 11.2019 mới bắt đầu thi công.
Nguyên nhân dự án chậm tiến độ thời gian dài là do khi triển khai thi công, phải chuyển đổi hơn 22 ha rừng phòng hộ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, vướng khoảng 1.300 ngôi mộ nằm trong phần diện tích bị thu hồi nên phải tìm mặt bằng mới để làm khu cải táng khiến chậm tiến độ mất 2 năm. Hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong lòng hồ vẫn chưa xong, tuyến kênh vẫn chưa có mặt bằng để thi công, nguồn đất để đắp đập chính vẫn chưa có. Trước những khó khăn, vướng mắc này UBND tỉnh Quảng Nam đã cho gia hạn triển khai dự án đến năm 2025.
Những vướng mắc của dự án Hồ chứa nước Lộc Đại là bài học không bao giờ cũ trong công tác "tiền dự án". Có thể đúc kết điều này qua thành ngữ "đầu xuôi, đuôi lọt". Đó là, chỉ có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm khi các sở, ban, ngành và địa phương nhận được sự đồng thuận của người dân về bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm gỡ vướng thủ tục về đất đai và đặc biệt làm tốt, chi tiết và chu đáo công tác khảo sát dự án. Thực tế cho thấy, những dự án "đứng bánh", thi công kiểu "rùa bò" sẽ có nguy cơ đội vốn, làm thiệt hại đến ngân sách nhà nước, nhất là những dự án trọng điểm. Và đó cũng là sự lãng phí!
Bình luận (0)