Dự án giúp người khiếm thính phòng dịch bệnh Covid-19

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
29/03/2020 09:12 GMT+7

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chứng kiến cộng đồng người khiếm thính dường như nằm ngoài cuộc vì những rào cản giao tiếp và khả năng nắm bắt thông tin, một nhóm bạn trẻ thực hiện dự án tuyên truyền phi lợi nhuận cho họ.

Dự án có tên Xây dựng các video về dịch bệnh Covid-19 dành cho cộng đồng người khiếm thính. Dự án do chị Vũ Hương Giang (31 tuổi, Hà Nội), đồng sáng lập Công ty phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu,  cùng các thành viên của Chi hội Người điếc Hà Nội thực hiện.

Sẽ có 10 video bằng các ngôn ngữ ký hiệu

Để có kinh phí thực hiện, chị Giang đã kết nối với nhiều tổ chức và trình bày về ý tưởng của mình để kêu gọi hỗ trợ. Hiện cả nhóm đã có được những khoản kinh phí ban đầu và quyết định sẽ thực hiện các video theo kiểu “cuốn chiếu”, làm tới đâu kêu gọi hỗ trợ tới đó.
Có kinh phí, chị Giang cùng các hội viên của Chi hội Người điếc Hà Nội đã bắt tay làm những clip tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau khi hoàn thành, những clip này sẽ được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng người khiếm thính tại Việt Nam.
Kế hoạch của dự án là sẽ xây dựng khoảng 10 video và  được thể hiện bằng ngôn ngữ ký hiệu do chính các bạn khiếm thính thực hiện. Mỗi video gồm một chủ đề riêng nhằm giúp những người khiếm thính có thể hiểu rõ tình hình dịch bệnh và cách đề phòng, xử lý tình huống. Trong đó có nhiều chủ đề như: giải thích rõ virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là gì, virus  này lây truyền qua đường nào; những biểu hiện, triệu chứng bệnh; cách phòng chống, nhận diện bệnh…
Ngoài ngôn ngữ ký hiệu, video cũng kết hợp thêm hình ảnh minh họa và cho chạy chữ phía dưới để có thể đáp ứng nhiều nhóm người khác nhau. Nhóm cũng được tư vấn bởi những người có chuyên môn để làm sao sử dụng được những ký hiệu đơn giản, dễ hiểu lại truyền đạt được thông tin nhiều nhất.
Làm sao để những video này có thể “chạm” được đến cả những người có khả năng giao tiếp thấp nhất là trăn trở của cả nhóm.
Kế hoạch là vậy, nhưng để thực hiện dự án này, theo chị Giang là điều không hề dễ dàng. Để đảm bảo tính chính xác, những nội dung trong video được nhóm chị Giang tập hợp từ những văn bản, thông tin chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế hoặc các nguồn chính thống khác. Mỗi sản phẩm quay, dựng xong đều được gửi qua các đơn vị nói trên kiểm duyệt ngược lại trước khi xuất bản.

Vừa hấp dẫn vừa chuyển tải được nội dung quan trọng

Chị Trang cũng cho biết đây là một dự án phi lợi nhuận nên từ khi lên ý tưởng cho đến khi thực hiện nhóm gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất chính là việc làm kịch bản của mỗi video. Đối tượng truyền thông khá đặc biệt, nên mỗi video phải đáp ứng tiêu chí vừa hấp dẫn vừa chuyển tải được hết các nội dung quan trọng. Trong khi đó, những thông tin lấy từ các văn bản lại thường rất “khô” nên việc chuyển tải sao cho mềm mại và hấp dẫn là một thách thức lớn đối với nhóm.
Tiêu chí của mỗi video đặt ra là truyền tải sao cho vừa đầy đủ, chính xác thông tin vừa phải đơn giản, dễ hiểu; mỗi video cũng được giới hạn dung lượng từ 2 - 3 phút để người xem dễ tập trung, dễ nhớ.
Hiện dự án đã hoàn thành được 3 trong số 10 video. Trong đó, video đầu tiên đã qua khâu kiểm duyệt của WHO, Bộ Y tế và được chia sẻ rộng rãi trên nhiều kênh truyền thông của những người câm điếc như fanpage, website của công ty, các trang cộng đồng... để có thể tiếp cận mọi người.
Theo chị Giang,  video đầu tiên  tuyên truyền về  phòng chống dịch bệnh Covid-19  đã nhận được nhiều lượt chia sẻ cũng như phản hồi tích cực từ cộng đồng người khiếm thính. Đây là tín hiệu vui của cả nhóm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.