Người đứng đầu các cấp có thẩm quyền, nếu phê duyệt chủ trương đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn của nhà nước trong đầu tư công sẽ bị xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
|
Đó là quy định đáng chú ý của dự thảo luật Đầu tư công do Chính phủ trình Quốc hội (QH) ngày hôm qua (16.11).
Ai được phê duyệt ?
Theo dự thảo luật trình QH, đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội (KT-XH) và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển KT-XH. Các nguồn vốn gồm: ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA…
Báo cáo trước QH, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết dự thảo luật đã phân định được thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án. Theo đó, QH sẽ quyết định chủ trương đầu tư các chương trình và dự án quan trọng quốc gia. Tiếp đó, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư gồm: các dự án nhóm A; các chương trình đầu tư công khác sử dụng vốn ngân sách T.Ư, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; các chương trình sử dụng nguồn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Đối với các dự án sử dụng nguồn trên, nhưng thuộc nhóm B và C, Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng, người đứng đầu của các tổ chức chính trị, nghề nghiệp quyết định chủ trương đầu tư.
Tại địa phương, hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp quyết định các dự án trọng điểm nhóm B của địa phương đầu tư toàn bộ bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương. HĐND cấp tỉnh quy định các tiêu chí chương trình, dự án trọng điểm của địa phương. Đối với chủ tịch UBND, được quyết định chủ trương đầu tư: các chương trình, dự án nhóm B, nhóm C khác đầu tư từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vốn đầu tư nhưng không đưa vào cân đối ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND các cấp; các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại không thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Trách nhiệm người đứng đầu
Với việc phân cấp thẩm quyền, luật cũng quy định rõ trách nhiệm của từng cấp. Theo đó, về quyết định chủ trương đầu tư: Người đứng đầu tổ chức, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất, lãng phí đối với nguồn lực và nguồn vốn đầu tư công thực hiện chương trình, dự án và phải bị xử lý kỷ luật. Trường hợp quyết định trên do kết quả thẩm định chương trình, dự án không đúng thì Chủ tịch Hội đồng thẩm định và các thành viên tham gia thẩm định phải chịu trách nhiệm đền bù những thiệt hại do kết quả thẩm định của mình và phải bị xử lý kỷ luật.
Đối với người quyết định chương trình, dự án, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm các quy định về thẩm quyền trong quá trình lựa chọn chủ chương trình, chủ đầu tư; và chịu trách nhiệm liên đới trong việc triển khai dự án chậm tiến độ, không đúng với quyết định đầu tư, có sai phạm trong quá trình triển khai chương trình, dự án đầu tư công. Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc quyết định đầu tư chương trình, dự án.
Dự thảo luật cũng quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan T.Ư, chủ tịch UBND các cấp, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về các hậu quả do không tổ chức thực hiện việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công hoặc không báo cáo theo quy định.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kiểm tra QH cơ bản nhất trí với quy định của dự án luật. Tuy nhiên, ủy ban này đề nghị cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.
Thông qua luật Việc làm và luật Thi đua, khen thưởng Sáng 16.11, với đa số đại biểu nhất trí, QH đã thông qua luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi, bổ sung). Luật sửa đổi 32 điều, có hiệu lực từ 1.6.2014, nhằm mục tiêu nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngay sau đó, QH cũng thông qua luật Việc làm gồm 7 chương, 62 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015 quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm... |
Phê chuẩn thêm một Ủy viên Ủy ban thường vụ QH Sáng 16.11, với 414 phiếu đồng ý trong số 455 phiếu hợp lệ của các ĐB, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trở thành thành viên thứ 18 của Ủy ban Thường vụ QH. Ngoài ra, nhân sự đề cử cho 5 vị trí cấp phó chủ nhiệm các ủy ban của QH cũng được đa số các ĐB nhất trí. Theo đó, ông Nguyễn Lâm Thành trở thành Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Các ông Phạm Trí Thức, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Thuần Phong, Vũ Hải Hà lần lượt trở thành Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Đối ngoại. |
Anh Vũ
>> 17 tỉ USD vốn ODA chưa được giải ngân
>> Cung cấp vốn ODA cho VN bằng phương thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách
>> TP.HCM: Kiến nghị vay vốn ODA ngầm hóa lưới điện
>> Tiếp nhận vốn ODA của Bỉ để nạo vét luồng Soài Rạp
>> Dự án nạo vét luồng Soài Rạp: Thủ tướng chỉ đạo tiếp cận vốn ODA của Bỉ
Bình luận (0)